MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội diễn tập các tình huống phòng chống dịch COVID-19 tại trường học. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Hà Nội: Học sinh mắc COVID-19, có nên dừng dạy học trực tiếp?

Hà Phương LDO | 11/12/2021 17:00

Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khi ghi nhận người mắc COVID-19 là học sinh, không nên lo lắng. Trong trường hợp đó nên tạm dừng học trực tiếp đối với lớp có học sinh mắc COVID-19, không nên cho nghỉ học trực tiếp cả trường.

Phát hiện F0 là học sinh không nên dừng học trực tiếp

Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục cao hơn 2 tuần nay. Đặc biệt, toàn bộ học sinh khối 9 của 17 huyện, thị xã ngoại thành và học sinh lớp 12 toàn thành phố được đi học trực tiếp. Tuy nhiên đến nay, 2 trường là THCS Minh Cường, huyện Thường Tín, và THCS Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên, tạm thời cho dừng học trực tiếp do ghi nhận học sinh mắc COVID-19.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, trong bối cảnh như hiện nay, việc phát hiện F0 là điều bình thường bởi ca mắc nhiều, nên khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 là học sinh không nên lo lắng. Trong trường hợp đó nên tạm dừng học trực tiếp đối với lớp có học sinh mắc COVID-19, không nên cho nghỉ học trực tiếp cả trường. Nếu cứ nghỉ như vậy có lẽ việc để các em trở lại trường khó thực hiện. Cùng với đó, các các lớp học cũng đã được phân chia, quản lý rõ ràng.

  Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: CDC Hà Nội

Chuyên gia khuyến cáo, điều quan trọng nhất hiện nay đó là học sinh chủ yếu thực hiện tốt 5K, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của thành phố, không nên hoang mang. "Tôi thấy có trường chỉ 1 học sinh đi học. Tôi nghĩ các trường phải giải thích, truyền thông để cha mẹ biết việc học quan trọng".

Lý do cả trường dừng đón học sinh tới trường

Liên quan đến trường hợp học sinh lớp 9, Trường THCS Tri Thủy mắc COVID- 19, ông Lưu Luyến, Trưởng Phòng GDĐT huyện Phú Xuyên cho biết, em học sinh này đang được điều trị tại trạm y tế lưu động xã Tri Thủy. Đồng thời, toàn bộ khoảng 100 học sinh của Trường THCS Tri Thủy tạm thời dừng học trực tiếp, chuyển qua học trực tuyến. Kết quả xét nghiệm học sinh và những người có liên quan đến học sinh lớp 9 Trường THCS Tri Thủy đều 2 lần âm tính.

Đối với ca mắc COVID-19 là nam sinh lớp 9, ông Nguyễn Như Ý, Trưởng Phòng GDĐT huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, ngay sáng 8.12, Trường THCS Minh Cường đã tạm dừng việc dạy học trực tiếp và chuyển sang trực tuyến.

"Toàn huyện có hơn 4.100 học sinh khối 9. Ban đầu, toàn huyện có 20 trường THCS mở cửa dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9. Đến nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên con số này đã giảm đi một nửa. Tình hình dạy học tại các trường vẫn được tổ chức linh hoạt theo đúng hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế, Sở GDĐT thành phố và UBND huyện", ông Ý thông tin.

Theo đó, 40 học sinh cùng lớp và thầy cô giáo có tiếp xúc với trường hợp trên được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả trong sáng 10.12, tất cả các mẫu đều đã âm tính. Trường THCS Minh Cường tạm thời cho khoảng 150 em khối 9 học trực tuyến cùng với các khối còn lại. 

Trao đổi về việc tại sao cho nghỉ toàn bộ học sinh cả trường sau khi phát hiện ca F0, ông Ý cho hay, do đặc điểm học sinh của trường ở liên thôn nên nhà trường quyết định tạm cho nghỉ học trực tiếp toàn bộ và chuyển sang phương thức học trực tuyến để đảm bảo an toàn.

Phòng GDĐT huyện Thường Tín cũng quán triệt các nhà trường luôn sẵn sàng các kịch bản ứng phó nếu phát sinh tình huống dịch bệnh. Trong đó, các trường chủ động phương án dạy học trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Tất cả phải đảm bảo an toàn cho học sinh. Đơn vị đã chỉ đạo các trường nâng cao biện pháp phòng chống dịch.

Theo Hướng dẫn liên ngành về phương án phòng, chống dịch COVID-19 khi có trường hợp F0, F1, F2 trong trường học của Sở GD-ĐT và Sở Y tế TP.Hà Nội, nhà trường cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương; thông báo cho F0 và yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1m với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn, xử trí.

Đồng thời, nhà trường cần hướng dẫn cho F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời; hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng, khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng; phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên lớp đó; thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại trường học thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng; yêu cầu nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn