MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi vào lớp 10 lâu nay được ví là căng thẳng hơn thi đại học.

Hà Nội thay đổi phương án thi vào lớp 10, phụ huynh lo áp lực thi cử dồn lên học sinh

Bích Hà LDO | 15/10/2018 21:10
Không ít phụ huynh cho rằng, thi thêm môn sẽ khó tránh tăng áp lực cho con trẻ, trong khi điều chúng ta hướng đến là phải làm sao cho việc thi cử ngày càng nhẹ nhàng hơn.

Thi thêm môn, tăng thêm áp lực

Thay vì chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn như những năm trước, Sở GDĐT Hà Nội vừa chốt phương án thi vào lớp 10 năm học 2019-2020. Theo đó, học sinh sẽ dự thi 4 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn thi khác.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, môn thi thứ 4 sẽ là một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân được Sở công bố vào tháng 3.2019.

Nghe tin này, không ít phụ huynh có con đang học lớp 9 ở Hà Nội lo lắng về hành trình học và thi của con em mình trong tương lai để giành được một suất vào lớp 10 trường công lập.

“Những năm trước chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội đã được ví là căng thẳng hơn thi đại học. Giờ tăng lên thành 4 môn, biết có mặt tích cực là giúp học sinh học đều các môn, giảm tình trạng học lệch, học tủ, nhưng chắc chắn sẽ tăng thêm áp lực.

Nghĩ về những ngày sắp tới, tôi thực sự thấy thương con em mình”- chị Đỗ Thị Hạnh (có con học lớp 9 tại Trường THCS Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ.

Hình ảnh kỳ thi vào lớp 10 năm 2018 tại Hà Nội. Học sinh bật khóc sau khi ra khỏi phòng thi. Ảnh: Tô Thế

Cùng chung tâm trạng, chị Đỗ Ngọc Lan (quận cầu Giấy, Hà Nội) những ngày qua tất tưởi đi tìm trung tâm luyện thi tiếng Anh cho con. Lần đầu tiên môn Ngoại ngữ được đưa vào kỳ thi lớp 10, lại có mong muốn đỗ được vào Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) – một trong những trường luôn có tỉ lệ chọi rất cao tại Hà Nội, nên cả chị và con đều lo lắng.

Chị Lan cho rằng quan điểm “có học có thi”, “có thi có áp lực” luôn đúng. Việc tăng thêm môn trong kỳ thi vào lớp 10 khó tránh tăng thêm áp lực thi cử cho học sinh và phụ huynh.

Tại sao không cho học sinh được chọn môn thi thứ 4?

Đây là thắc mắc của phụ huynh trước việc Sở GDĐT Hà Nội thông báo đến tháng 3 năm sau mới công bố môn thi thứ tư. Tháng 3 công bố, tháng 6 thi, như vậy học sinh chỉ có 3 tháng để ôn tập. Việc này sẽ khiến các em lo lắng, sợ không kịp ôn tập và đổ xô đến lò luyện thi.

“Tôi nghĩ thay vì Sở GDĐT Hà Nội chọn một trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân làm môn thi thứ tư thì nên để học sinh có quyền lựa chọn.

3 môn thi bắt buộc sẽ được các em đầu tư thời gian nhiều hơn, còn môn thi thứ tư thì tùy theo khả năng, sở trường của từng em, có thể chọn môn này, hay môn khác. Khi học sinh có được sự chủ động này, áp lực thi cử sẽ vơi đi một phần”- anh Nguyễn Việt Lâm (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) hiến kế.

Còn theo quan điểm của thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội), khi đã tăng thêm bài thi sẽ rất khó để giảm được việc dạy thêm, học thêm. Vì có thi sẽ có ôn thi. Nếu học ở trường chưa đủ, trong khi yêu cầu cạnh tranh rất lớn, thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc luyện thi.

Thầy Hùng cho rằng nếu các thầy cô dạy học nghiêm túc, không có chuyện làm đẹp học bạ, thì hình thức dùng điểm tổng kết các năm để quy đổi tính vào điểm xét tuyển khi học sinh thi vào lớp 10 cũng là một cách để học sinh học toàn diện, đầy đủ trong suốt 4 năm, chứ không nhất thiết phải thi nhiều môn mới học đầy đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn