MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hà Nội: Thi tuyển sinh lớp 10 với 4 môn đã thực sự toàn diện?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 11/10/2018 10:45
Sau khi UBND TP.Hà Nội “chốt” phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020, đã có nhiều tranh luận về việc chọn phương án thi tuyển 4 môn với kỳ vọng sẽ là giải pháp buộc học sinh phải học toàn diện, tránh học lệch. Theo bà Phạm Thái Lê (giáo viên môn Ngữ văn, Trường Marie Curie, Hà Nội), học tất cả các môn với cơ cấu như hiện nay chưa phải là toàn diện.

Nên để các trường tự chủ tuyển sinh

Cho rằng Hà Nội chọn phương án thi 4 môn là chưa thực sự phù hợp, cô giáo Phạm Thái Lê bày tỏ: Việc nâng số lượng môn thi từ 2 lên 4 môn là không nên vì đây là kỳ thi tuyển sinh, không phải thi tốt nghiệp để cần thiết phải kiểm tra nhiều môn thi.

Theo bà Lê, việc tăng số môn thi sẽ gây thêm áp lực cho học sinh, hơn nữa, đến tháng 3, Sở GDĐT Hà Nội mới công bố môn thi thứ 4 theo kiểu “ú tim”, càng khiến tâm lý học sinh thêm nặng nề.

Cô giáo Phạm Thái Lê - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Marie Curie, Hà Nội. Ảnh: NV

Mặt khác, nữ giáo viên này cho rằng, việc thi nhiều môn cũng không là giải pháp tốt để tránh “học tủ”, học lệch. Để tránh học tủ học lệch thì việc xét học bạ bởi xét học bạ sẽ hiệu quả hơn bởi đây là quá trình học cả 4 năm ở tất cả các môn.

Theo bà Lê, việc học toàn diện hay nói cách khác là đào tạo một con người toàn diện là khái niệm, là quy chuẩn cần xem lại. Học tất cả các môn với cơ cấu như hiện nay thì không phải là toàn diện. Chương trình hiện nay chưa có các môn kỹ năng, các môn nghệ thuật, giáo dục thể chất bị xem nhẹ, các môn khoa học quá hàn lâm. Mặt khác, không thể đòi hỏi người học hứng thú và học tốt tất cả các môn nên cần có môn tự chọn. Muốn toàn diện thì phải thay đổi từ cơ cấu môn học giờ học chứ không chỉ thay đổi thi cử.

Từ kinh nghiệm của mình, bà Lê đề xuất các trường được tự quyết định phương án tuyển sinh riêng. Thực tế, có nhiều trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tài chính chỉ xét học bạ theo tiêu chí riêng, trên cơ sở số học sinh đăng ký và chỉ tiêu của Sở giao.

“Tiêu chí tuyển sinh hãy để nhà trường chủ động. Trường nào chất lượng tốt sẽ thu hút học sinh tốt. Đó là sự tự phân hoá và việc đánh giá, chọn trường là người học được tự quyết định”, bà Lê chia sẻ.

Thầy cô THPT “nhọc” vì học sinh hổng kiến thức THCS

Nhiều năm làm quản lý cấp THPT, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức bày tỏ: Những năm trước, khi Hà Nội chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ Văn thì hầu như học sinh không tập trung học các môn còn lại ở lớp 9. Điều này dẫn đến khi học ở THPT, học sinh bị hổng kiến thức nền tảng ở THCS. Các thầy cô rất vất vả khi phải dạy lại và bổ sung kiến thức cho các em. Đây là điều các nhà quản lý và các thầy cô cấp THPT rất trăn trở.

Vì thế, ông Bình cho rằng hình thức được Sở GDĐT Hà Nội chọn lựa hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

 Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình cho biết thầy cô cấp THPT rất vất vả khi phải dạy lại và bổ sung kiến thức cho các em. Ảnh: Huyên Nguyễn

Về áp lực thi cử, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng đó là áp lực tuyển sinh chung chứ không nằm ở việc thi bao nhiêu môn bởi toàn bộ những người dự thi đều phải ôn tập các môn như nhau.

“Bây giờ, các em cứ học 1 cách bình thường, với 3 môn đã biết trước vừa học mới, vừa ôn luyện. Tháng 3 cũng là thời điểm kết thúc thời lượng hầu hết các môn học vì thế khi báo môn thi thì học sinh có thể tập trung dành thêm thời gian cho môn thi thứ 4”, ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cũng đồng tình với việc bỏ điểm cộng từ kết quả học THCS bởi thực tế đã xuất hiện hiện tượng thầy cô đánh giá chưa đúng với thực lực để tạo điều kiện cho học sinh có điểm cao trong khi dự thi tuyển sinh lớp 10. Vì thế, cần có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn