MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tỉnh, thành đã đón trẻ mầm non trở lại trường. Ảnh: Thành An

Hà Nội thông tin về việc đi học trực tiếp của trẻ mầm non

Thiều Trang LDO | 15/02/2022 14:16

Sau khi Hà Nội tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, từ tình hình thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sẽ lên phương án cho trẻ mầm non đến trường.

Lộ trình đưa trẻ mầm non đến trường

Hiện nay tại Hà Nội, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của 30 quận, huyện, thị xã đã đến trường học trực tiếp; học sinh từ lớp 1 - 6 của các huyện, thị xã học trực tiếp; các quận vẫn học online. Đồng thời, học sinh các khối 1, 2, 3, 4, 5, 6 tại 18 huyện, thị xã đã trở lại học trực tiếp sau thời gian dài học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, trẻ mầm non trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn chưa được quay trở lại trường học tập, vui chơi. Nhìn các tỉnh, thành lần lượt đón trẻ, nhiều phụ huynh tại Hà Nội sốt sắng, ngóng quyết định chính thức của thành phố, mong muốn Hà Nội nhanh chóng "chốt lịch".

Trước đó, chia sẻ về lộ trình tiếp tục đưa học sinh quay lại trường học tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Hà Nội, bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - cho biết, sở đã có văn bản báo cáo thành phố.

Theo đó, nếu dịch diễn biến giảm, công tác phòng dịch đảm bảo thì từ ngày 21.2, học sinh lớp 1 trở lên ở 12 quận nội thành sẽ đi học trực tiếp. Tiếp đó, sau khi Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, sở sẽ đề xuất phương án cụ thể cho học sinh mầm non đi học.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng nhấn mạnh về việc các địa phương phải chuẩn bị tốt mọi mặt để học sinh của các quận trở lại trường học theo lộ trình. Trong đó, Sở GDĐT cần sớm tham mưu UBND thành phố về việc cho học sinh mầm non của các huyện trở lại trường.

Trẻ mầm non cần sớm được quay trở lại trường

Khẳng định việc mở cửa trường học, đưa trẻ mầm non trở lại lớp là việc rất quan trọng và cần nhanh chóng thực hiện, bác sĩ Thiều Thị Tuyết Nhung - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) - cho hay, trường học là nơi giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Bởi vậy, việc mở cửa trường học sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh là điều rất cần thiết.

BS Nhung lấy dẫn chứng về việc hiện nay trên thế giới nhiều nước đã mở cửa trường học dẫu số ca mắc COVID-19 cao. Bởi họ đánh giá và thấy rõ hậu quả của việc trẻ ở nhà quá lâu.

“Việc đóng cửa trường học quá lâu khiến trẻ không được hoạt động, kéo theo các thói quen về sức khỏe bị đảo lộn. Điển hình như trẻ không được hoạt động thể chất, xem tivi nhiều hơn, tăng thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông, ăn uống không đúng giờ... dẫn đến việc phát triển thể chất không bình thường.

Vì vậy, mở cửa trường học thời điểm này không chỉ cung cấp kiến thức sách vở mà còn thiết lập lại thói quen, hoạt động thể chất và tương tác xã hội thông qua giao tiếp với bạn bè, giáo viên” - BS Nhung nói.

BS Nhung đặc biệt nhấn mạnh về việc, trường học phải là nơi chăm sóc sức khỏe cho trẻ đồng thời là nơi bảo đảm an toàn cho trẻ khỏi bị xâm hại, bạo hành.

"Theo văn bản hướng dẫn 1860 Bộ Y tế, các nhân viên y tế trường học phải là người đề ra phương án ứng phó tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như tình trạng cấp bách, khẩn cấp do đại dịch, đại dịch cũng chính là tình trạng khẩn cấp.

Trường học cũng là nơi cung cấp những phương án ứng phó với tình trạng khẩn cấp và phối hợp với bệnh viện tuyến Trung ương để chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt, trước khi mở cửa trường học, Bộ GDĐT, Bộ Y tế đã đẩy mạnh tập huấn cho các thầy cô giáo, các trường học cũng chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Vì vậy, trẻ mầm non cần sớm được quay trở lại trường" - BS Nhung nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn