MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh trường tiểu học Thạch Đài giới thiệu về các sản phẩm OCOP tại góc “Sản phẩm OCOP” trong sân trường. Ảnh: La Giang

Hà Tĩnh: Độc đáo mô hình giáo dục địa phương trong trường tiểu học

PHAN DUY NGHĨA  LDO | 28/06/2022 07:00

Hà Tĩnh - Với ý tưởng tạo ra không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, trường tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà) đã có cách làm độc đáo khi xây dựng mô hình giáo dục địa phương trong khuôn viên nhà trường.

Sáng tạo vì học sinh

Từ mong muốn để học sinh hứng thú, yêu thích khi học nội dung giáo dục địa phương, Ban giám hiệu trường tiểu học Thạch Đài đã lên ý tưởng xây dựng "Mô hình giáo dục địa phương" ngay trong khuôn viên nhà trường. 

Một góc “Giáo dục địa phương” được thể hiện trên tường rào nhà trường. Ảnh: La Giang

 “Với ý tưởng tạo không gian học tập cho học sinh mọi lúc, mọi nơi, tận dụng không gian xanh mát dưới tán bàng xanh trên sân trường, nhà trường xây dựng góc giáo dục địa phương, trưng bày các sản phẩm của các làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP, đặc sản trên quê hương Thạch Hà và Hà Tĩnh. Mỗi gian trưng bày đều được thiết kế đơn giản từ các chất liệu, vật liệu sẵn có như tre, cọ của địa phương... Từ cổng vào đến các góc trưng bày sản phẩm đều lựa chọn những câu thơ, cao dao, hò vè... mang thông điệp giới thiệu sản phẩm một cách nhẹ nhàng, truyền cảm”, cô giáo Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Không gian giáo dục đặc biệt

Với hơn 500 m2 diện tích sân trường rợp bóng cây xanh, hơn 300 m tường rào là không gian lí tưởng để trường xây dựng mô hình giáo dục địa phương. Dưới các gốc cây bàng xum xuê cành lá là các góc trưng bày các sản vật của quê hương Thạch Hà và Hà Tĩnh.

Nhà giáo Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình giao lưu với học sinh trường tiểu học Thạch Đài tại góc “Nón lá Ba Giang”. Ảnh: La Giang

 Từ góc “Nón lá Ba Giang”, sản phẩm truyền thống bao đời nay của người dân xã Phù Việt (Thạch Hà), đến góc “Mây tre đan”, sản phẩm đan lát truyền thống của người dân xã Thạch Long…. đến góc “Nghề rèn”, nơi trưng bày các sản phẩm từ nghề rèn ở phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh).

Đặc biệt nhất là góc “Sản phẩm OCOP”, nơi hiện diện của các sản phẩm, thương hiệu nổi bật của nông thôn mới huyện Thạch Hà và tỉnh Hà Tĩnh như: gạo Ngọc Mầm (Thạch Đài), nấm Linh Chi (Thạch Xuân), yến sào xứ Nghệ (Thạch Đài), gạo lứt Thạch Đài, ruốc Thạch Hải, bánh ram Tân Lâm Hương, cam Ngọc Sơn, dưa lưới Bắc Sơn…

Bên cạnh các góc trưng bày sản phẩm thật là không gian tranh vẽ, ảnh chụp được trình bày, mô phỏng hấp dẫn và thẩm mỹ trên hơn 300 m tường rào, đó là: các địa danh lịch sử, văn hóa; các địa danh du lịch; các sản vật của quê hương; các danh nhân văn hóa; các lễ hội nổi tiếng; các khu kinh tế,… trên quê hương Hà Tĩnh.

Mô hình “Giáo dục địa phương” trong khuôn viên trường tiểu học Thạch Đài đã trở thành điểm đến lí thú và bổ ích cho học sinh. Các em rất háo hức và thật sự hứng thú khi được học các tiết học ở không gian giáo dục đặc biệt này.

Trong dịp về trao đổi học tập kinh nghiệm tại huyện Thạch Hà, khi đến trường tiểu học Thạch Đài, nhà giáo Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình nhận xét: “Chúng tôi thật sự khâm phục trước sự sáng tạo của nhà trường trong xây dựng mô hình giáo dục địa phương, mô hình rất thiết thực, hiệu quả và đặc biệt là rất dễ làm. Các trường học có thể học tập và nhân rộng”.

Cô Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng GDĐT huyện Thạch Hà cho biết: "Mô hình giáo dục địa phương của trường tiểu học Thạch Đài tuy mới triển khai được một thời gian nhưng mô hình đã thật sự mang lại hiệu quả, đặc biệt mang lại hiệu quả cao trong bối cảnh dạy học trong dịch bệnh COVID-19 như vừa qua. Năm học tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn và chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện nhân rông mô hình này với yêu cầu mỗi trường sẽ có những nét khác biệt để học sinh các trường giao lưu và học hỏi lẫn nhau”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn