MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi tập huấn cho các học sinh của nhân viên y tế học đường. Ảnh: NVCC

Hai ngày tôn vinh nghề trong năm lại khiến nhân viên y tế học đường chạnh lòng

Lam Thanh LDO | 16/12/2023 06:52

Không ít nhân viên y tế học đường vùng cao trăn trở khi lưng chừng giữa hai ngành giáo dục và y tế. Dù công việc vất vả, miệt mài cống hiến nhưng các chế độ vẫn chưa thực sự tương xứng.

Cứ mỗi độ ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 hay ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, nhiều nhân viên y tế học đường vùng cao lại tủi thân. Ngày 20.11, nhìn cảnh đồng nghiệp tại trường được ghi nhận, sự yêu mến từ học trò lại làm họ chạnh lòng. Còn ngày 27.2, nhìn các y, bác sĩ được tri ân cũng không khỏi tủi thân. Việc lưng chừng giữa 2 ngành giáo dục và y tế chính là mấu chốt khiến các chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng.

Trăn trở khi nhắc về 4 chữ y tế học đường, chị C.T.T (Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết, tâm lý chung của các nhân viên y tế trường học là tủi thân, lo lắng. Thực sự nhiều lúc không biết đang thuộc ngành giáo dục hay ngành y tế.

Buổi tập huấn sơ cứu cho học sinh của nhân viên y tế học đường. Ảnh: NVCC

"Mình công tác, biên chế trong ngành giáo dục nhưng chuyên môn lại là lĩnh vực y tế. Dù công việc chính là chăm sóc sức khỏe cho học sinh nhưng quá trình làm việc vẫn kiêm nhiệm thêm nhiều thứ liên quan về giáo dục.

Dù không có bất kì một chế độ đặc thù theo ngành giáo dục nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài ra, chế độ ưu đãi theo ngành y tế tuyến cơ sở cũng không có", chị T., cho biết.

Theo chị T., bản thân cũng như các đồng nghiệp đều mong muốn được công nhận là nhân viên y tế tuyến cơ sở. Được hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ hiện hành. Thời điểm xét tuyển vào trường học, họ đã có đầy đủ bằng cấp. Quá trình công tác còn thi tuyển các chứng chỉ liên quan đến y tế.

Chị T., cho hay: "Trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, các học sinh thường chỉ dành những lời chúc đến giáo viên. Nhìn những đồng nghiệp có 1 ngày lễ tri ân cũng thấy buồn.

Đến ngày 27.2 thì ở trường cũng có tặng hoa và quà. Thế nhưng lại không nhận được sự quan tâm từ ngành y tế, chưa được xem là nhân viên y tế cơ sở. Vì lẽ này nên không biết mình thuộc ngành nào. Cứ cố gắng nhưng lại đứng lưng chừng giữa hai lĩnh vực".

Các nhân viên y tế học đường lo lắng trước chính sách mới. Ảnh: NVCC

Cũng theo chị T., nhân viên y tế học đường vùng cao vốn đã khó khăn, khi nghe các thông tư của Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT lại thêm lo lắng. Được đào tạo bài bản, đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ nhưng vị trí lại giống bảo vệ, tạp vụ.

Cùng nỗi lòng, chị N.T.V (Định Hóa) cho biết, bản thân đã gắn bó với ngành y tế học đường từ thời lương chỉ 450.000 đồng tháng. Để có bằng cấp, các chứng chỉ về ngành y vô cùng vất vả.

"Thời điểm dịch Covid-19 mình cùng 1 số các nhân viên y tế trường học cũng hỗ trợ, chăm sóc các bệnh nhân. Làm việc ở trường thì cũng chung chiêng giữa giáo dục và y tế. Nhiều lúc không hiểu mình thuộc ngành nào là chính.

Trước các thông tư mới về vị trí việc làm thì chỉ mong các cấp quan tâm, có chế độ đãi ngộ phù hợp với nhân viên y tế học đường. Việc xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ thực sự rất thiệt thòi, chưa tương xứng với nỗ lực, bằng cấp", chị V., giãi bày.

Theo Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ Hướng dẫn về vị trí việc làm thì nhân viên y tế trường học thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và được chế độ hợp đồng như đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ.

Đến ngày 30.10.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thì nhân viên y tế học đường không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong cơ sở giáo dục mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thuộc nhân viên hợp đồng tùy theo nhu cầu của đơn vị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn