MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một số ý kiến cử tri và nhân dân kiến nghị nên sử dụng đồng bộ, thống nhất bộ sách giáo khoa phổ thông. Ảnh: Vân Trang

Hai quan điểm khác nhau về việc lựa chọn sách giáo khoa phổ thông

PHẠM ĐÔNG LDO | 22/07/2023 18:36

Theo ý kiến của một bộ phận cử tri, nhân dân và một số địa phương, nên sử dụng đồng bộ, thống nhất bộ sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn (cấp tỉnh) để thuận tiện cho công tác quản lý; tránh tình trạng sách giáo khoa không sử dụng lại, gây lãng phí. Nhiều ý kiến lại không đồng tình với điều này.

Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm.

Nghị quyết 88/2014/QH13 đề ra chủ trương "có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học", đồng thời cho phép "các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Luật Giáo dục 2019 quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".

Hiện nay, đang có cách hiểu và cách thức triển khai không thống nhất Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về lựa chọn sách giáo khoa giữa các địa phương: Có nơi toàn tỉnh áp dụng thực hiện 1 bộ sách giáo khoa; có nơi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dựa trên kết quả lựa chọn sách giáo khoa theo đề xuất của cơ sở giáo dục (bản chất là cho phép các cơ sở giáo dục lựa chọn).

Vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Phó Trưởng Đoàn giám sát - cho biết có 2 quan điểm khác nhau:

Cụ thể, về phía các chuyên gia, có ý kiến cho rằng: Việc giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với định hướng, mục tiêu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo; các cơ sở giáo dục phổ thông (trực tiếp là giáo viên nhà trường) lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn của nhà trường để giảng dạy.

Về phía ý kiến của một bộ phận cử tri, nhân dân và một số địa phương cho rằng: Nên sử dụng đồng bộ, thống nhất việc sử dụng bộ sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn (cấp tỉnh) để thuận tiện cho công tác quản lý; tránh tình trạng sách giáo khoa không sử dụng lại, gây lãng phí.

Do vậy, đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét sửa đổi Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng giao cho các cơ sở giáo dục tổ chức lựa chọn như quy định tại Nghị quyết 88.

Kiến nghị việc bảo đảm cung ứng, phát hành các bộ sách giáo khoa rộng rãi; bảo đảm sự thuận lợi cho các nhà trường, phụ huynh, học sinh trong việc mua sách trên thị trường.

Qua khảo sát thực tế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa cho rằng hiện nay các địa phương đang có những cách hiểu khác nhau trong việc sử dụng sách giáo khoa. Do vậy cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông để thống nhất cách hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với vấn đề này.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát để cung cấp số liệu đầy đủ hơn về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các bộ môn tích hợp trên phạm vi cả nước...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu vấn đề hiện nay, các trường học đang triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên, gây khó khăn cho các em học sinh phải học một chương trình học mới khi lên cấp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp để tháo gỡ vướng mắc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn