MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Loạt bài bị điểm 1 môn Lịch Sử khiến nhiều người hoang mang

Hàng loạt học sinh ở Hà Nội được 1 điểm môn Lịch sử vì viết dài

Bích Hà LDO | 17/10/2017 17:09
Những giờ qua, trên mạng xã hội lan truyền những chia sẻ của học sinh T.K (lớp 11 Trường THPT Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội) về việc lớp của em có hàng loạt bạn nhận điểm 1 môn Lịch sử vì viết quá dài dòng, không đúng ý.

Cụ thể, T.K chia sẻ: "Không ngờ cô giáo lại cho đề dễ đến vậy. Học sinh chẳng ngờ đáp án chỉ ba dòng là đủ. Ai cũng nghĩ khó nên viết rõ dài. Cuối cùng, cả bọn lạc đề ăn điểm kém. Có vài bạn không làm được ghi bừa ai ngờ cũng được 6-7 điểm. Những bạn viết hơn mặt giấy thì lại ẵm con 1".

Cùng với những chia sẻ này là hình ảnh nhiều bài kiểm tra được giáo viên chấm 1 điểm. Trước sự việc, nhiều người bày tỏ lo lắng trước việc nhiều học sinh hiện nay lơ là môn Lịch sử.

Liên hệ với bà Vũ Thị Minh Hiển - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Oai (Ba Vì, Hà Nội) bà Hiển xác nhận sự việc trên xảy ra ở trường mình.

Đây là bài kiểm tra môn Lịch sử do cô Thu Hiền - giáo viên dạy Sử của trường – ra đề và chấm điểm. Đã có 9 em học sinh được 1 điểm, vì làm bài dài dòng, không đúng ý. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều học sinh đạt điểm cao.

Bà Hiển cho rằng có thể học sinh không học bài và nắm chắc kiến thức nên bị điểm thấp. Những chia sẻ của các em trên facebook cá nhân cũng rất "hồn nhiên" và nhận ra sai sót của mình, chứ không có ý trách móc giáo viên ra đề khó.

Theo đó, đề bài kiểm tra 15 phút môn Lịch sử lớp 11 gồm đúng một câu hỏi: "Những sự lựa chọn mà Châu Á đặt ra để chống lại các nước tư bản phương Tây và kết quả của những lựa chọn đó?".

Và đáp được giáo viên Thu Hiền cung cấp là: “Các lựa chọn cho các nước Châu Á trước tư bản phương Tây: Duy trì chế độ phong kiến hoặc cải cách. Những lựa chọn này sẽ mang lại kết quả như sau: Nếu chọn con đường cải cách thì đất nước sẽ không bị xâm lược giống như Nhật Bản và Thái Lan. Còn duy trì chế độ phong kiến thì sẽ bị các nước khác xâm lược. Ý cuối cùng là liên hệ đến Việt Nam, vì Việt Nam chọn duy trì chế độ phong kiến nên Việt Nam bị Pháp xâm lược”.

Nhiều học sinh trình bày dài, cả trang giấy, nhưng lại không đúng ý nên bị điểm kém.

Câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề về cách dạy và học môn lịch sử hiện nay. Không ít học sinh vẫn giữ cách học thuộc lòng môn Lịch sử theo sách giáo khoa, mà không nắm chắc các mốc sự kiện. Trong khi đó, từ kỳ thi THPT quốc gia 2017, môn Lịch sử đã chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm. Học sinh không phải thuộc lòng quá nhiều mà quan trọng là phải tư duy, hiểu rõ bản chất của từng mốc lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn