MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tiết học ngoại khoá được lồng ghép giữa các tiết học chính khoá. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Hàng loạt lớp học thêm gắn mác tự nguyện, phụ huynh phải đóng phí chồng phí

Nhóm Phóng viên LDO | 13/09/2023 06:09

Lớp học tiếng Anh tăng cường, lớp học Toán tiếng Anh, lớp học tiếng Anh khoa học… ngay đầu năm học, hàng loạt chương trình liên kết được đưa vào trường học, được gắn mác "tự nguyện kiểu ép buộc", khiến phụ huynh đau đầu lo gánh nặng phí chồng phí.

Học sinh tiểu học quay cuồng với các lớp học thêm

Năm học mới 2023 - 2024 bắt đầu là lúc các trường học đồng loạt gửi thông báo, yêu cầu phụ huynh đăng kí các lớp học ngoại khoá, học tăng cường, học kỹ năng trên tinh thần “tự nguyện”.

Đơn cử, Trường Tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đưa ra 3 chương trình dạy liên kết với đơn vị tư nhân (chưa tính các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp), gồm: Tiếng Anh BME-KIDs (mức thu 150.00 đồng/tháng); Tiếng Anh Toán (mức thu 100.000 đồng/tháng); bổ trợ Tiếng Anh thông qua bộ môn Khoa học STEM (mức thu 150.000 đồng/tháng).

Tương tự, Trường Tiểu học Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa 3 hoạt động dạy thêm: Chương trình tiếng Anh -- Toán; Chương trình tiếng Anh tiểu học BME-KIDs; chương trình bổ trợ tiếng Anh qua bộ môn khoa học STEM. Các câu lạc bộ đều được nhà trường liên kết với đơn vị tư nhân bên ngoài và có tính phí.

Còn tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), phụ huynh tỏ ra bất bình và bức xúc khi năm nay, nhà trường triển khai chương trình làm quen tiếng Anh, tiếng Anh thông qua ngôn ngữ Toán - Khoa học đối với học sinh lớp 1, 2. Một tuần 4 tiết, mức giá hơn 460.000 đồng/học sinh/tháng và 4.140.000 đồng/học sinh/năm học (9 tháng).

Tình trạng các trường công lập đua nhau liên kết với các đơn vị tư nhân yêu cầu phụ huynh đăng kí học tăng cường theo tinh thần “tự nguyện” không phải là mới. Sự việc này đã diễn ra trong nhiều năm nay, ở rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Một phiếu đăng ký tham gia lớp học thêm đầu năm của học sinh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Phụ huynh phải đóng “phí chồng phí”

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã bước sang năm thứ 4 triển khai. Với bậc tiểu học, thay đổi lớn nhất của chương trình là định hướng xây dựng dạy học 2 buổi/ngày. Nếu ở chương trình giáo dục phổ thông 2006, dạy học buổi 2 là tự nguyện thì chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh học buổi 2 là bắt buộc.

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, nhà trường được phép thu phí buổi 2 trên tinh thần tự nguyện, thoả thuận với phụ huynh. Một phần số tiền này sẽ được sử dụng để tăng thu nhập cho giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và phụ huynh hoàn toàn chấp thuận bởi ai cũng hiểu, đồng lương hiện nay của giáo viên rất thấp, đời sống còn cơ cực.

Nhưng điều khiến phụ huynh bức xúc, là việc nhà trường ngang nhiên đưa các chương trình dạy liên kết, tăng cường vào giảng dạy chính khoá và thu thêm tiền của phụ huynh. Điều này đồng nghĩa với việc phụ huynh đã phải đóng 2 lần tiền để con được đi học: Tiền học tăng cường buổi 2 và tiền cho đơn vị liên kết.

“Phụ huynh chúng tôi phản đối vì đã phải đóng tiền học buổi 2 (buổi chiều hằng ngày), trong khi trường vẫn đưa lồng ghép chương trình bên ngoài vào để dạy. Việc này không khác gì “phí chồng phí”. Phụ huynh có bất bình cũng chẳng biết kêu ai, đành đóng tiền học để con không bị cô lập bởi mọi quy trình đều được hợp thức hoá bằng tờ đơn tự nguyện cho con đi học do nhà trường đánh máy sẵn, phụ huynh chỉ việc kí tên vào là xong” - chị N.T.T, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), bức xúc nói.

Rất nhiều chương trình học thêm, học liên kết được đưa vào trong nhà trường. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) cũng phản ánh tới Lao Động tình trạng nhà trường đưa ra nhiều chương trình dạy liên kết, sắp xếp lịch học chèn vào thời gian học chính khoá/thời gian học buổi chiều khiến họ khó lòng không đăng kí cho con.

Các tiết học ngoại khoá, dạy thêm, học thêm được lồng ghép giữa các tiết học chính khoá khiến phụ huynh khó lòng từ chối tham gia. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Phụ huynh "cắn răng" ký đơn xin tự nguyện đăng ký học cho con

Liên quan đến những phản ánh nói trên, bà Trần Thị Mai Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) - khẳng định, nhà trường không hề ép buộc, phụ huynh học sinh có nhu cầu sẽ đăng kí cho con tham gia.

Còn tại Trường Tiểu học quận Hoàng Mai, Hà Nội, tại buổi làm việc với phóng viên Báo Lao Động, Hiệu trưởng nhà trường - liên tục nói rằng, nhà trường không ép buộc, phụ huynh tự nguyện đăng kí cho con học. Việc liên kết này đã diễn ra nhiều năm nay, số lượng phụ huynh đăng kí cho con học tại trường này lên đến 90 - 92%.

Khi được hỏi, tại sao việc xếp các tiết học này xen kẽ vào giờ học buổi chiều - giờ học mà các em học sinh đang phải đóng tiền học buổi thứ 2 trong ngày, hiệu trưởng    cho hay: “Nếu xếp các buổi học liên kết vào tiết cuối của buổi chiều để những bạn không tham gia có thể về nhà, sẽ rất khó cho trung tâm trong việc sắp xếp giáo viên. Ví dụ, tại trường tôi, có đến 50 lớp học, rất khó sắp xếp. Đây là khó khăn của các nhà trường”.

Bà hiệu trưởng cũng cho biết thêm, nhà trường có sắp xếp các phòng để những bạn không đăng kí học di chuyển sang, có giáo viên trông, hướng dẫn học sinh làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, thời gian tới, nhà trường sẽ họp hội đồng, điều chỉnh thời khoá biểu, sắp xếp những buổi học thêm, học liên kết vào cuối giờ, để thuận tiện cho học sinh, phụ huynh.

Trong khi đó, về phía phụ huynh, khi chia sẻ với Lao Động, phụ huynh bày tỏ sự bất bình. Họ buộc phải viết đơn xin tự nguyện đăng ký cho con, vì sợ con bị trù dập, sợ con bị phân biệt đối xử nếu không tham gia các lớp học tăng cường, lớp học thêm do nhà trường tổ chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn