MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tân sinh viên rất cần lời khuyên của cố vấn học tập trong việc chọn số lượng môn học, tín chỉ phù hợp trong một học kỳ. (Ảnh minh họa: Hải Nguyễn).

Hàng loạt sinh viên bị buộc thôi học: Lỗi do nhà trường, đừng đổ tại người học

Bích Hà LDO | 11/11/2017 07:30
Những ngày qua, câu chuyện hàng loạt sinh viên bị buộc thôi học nhận được sự quan tâm của dư luận, với những ý kiến trái chiều.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - cho rằng các trường nên xem lại cách đào tạo của mình, không nên đổ hết tại sinh viên học dốt, lười hay mải chơi.

TS Lê Viết Khuyến. Ảnh: B.H

Siết chặt chất lượng không có nghĩa đuổi học sinh viên

“Theo quan điểm của tôi, việc những trường có thương hiệu, điểm đầu vào cao chót vót, mà sinh viên bị rơi rụng nhiều như thế là có vấn đề. Những trường này có điểm đầu vào cao. Nếu chỉ có vài chục em thì có thể chấp nhận, chứ lên tới cả trăm, thậm chí 1.000 sinh viên bị buộc thôi học vì điểm học tập kém thì lập luận này là vô lý, không chấp nhận được” - TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

Ông phân tích, trên thế giới đang có xu hướng xây dựng những trường ĐH mở, tức là đầu vào rất thấp, để tạo cơ hội ai cũng có thể tiếp cận với giáo dục ĐH, nhưng đầu ra rất chặt. Việc các trường ĐH trong nước đào tạo theo xu hướng này là tín hiệu mừng. Nhưng siết chặt đầu ra không có nghĩa là đuổi học sinh viên.

“Tôi lấy ví dụ ĐH Harvard (Mỹ), tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp sau 4 năm học chỉ khoảng 10%, sau 5 năm, 6 năm lại cao hơn rất nhiều. Họ luôn giãn thời gian để tạo cơ hội cho sinh viên, không học ngành này có thể học ngành khác, đúng 4 năm chưa tốt nghiệp thì có thể học lâu hơn chứ không chặn hay đẩy sinh viên ra ngoài” – TS Khuyến nói thêm.

Các trường nên xem lại cách đào tạo của mình!

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, qua câu chuyện hàng loạt sinh viên bị buộc thôi học, các trường cần xem lại cách đào tạo theo tín chỉ của mình, đã thực sự đúng với tinh thần chưa hay chỉ là nửa vời.

“Nguyên tắc học tín chỉ là cho phép người học được tự quyết định môn học, khối lượng học phù hợp với thời gian, hoàn cảnh. Tuy nhiên tôi muốn hỏi các trường, đội ngũ cố vấn học tập của trường có làm việc hay không mà để sinh viên bị thôi học nhiều như thế?

Như Thái Lan, nếu cố vấn tư vấn tùy tiện, gây thiệt hại cho sinh viên, để các em thi trượt quá nhiều, dẫn đến việc bị buộc thôi học thì sẽ bị kỷ luật rất nặng.

Các thầy đã làm tròn trách nhiệm tư vấn của mình chưa, hay sinh viên đăng ký bao nhiêu cho học bấy nhiêu? Đối với những em năm thứ nhất, có thể nông nổi, chưa có kinh nghiệm trong việc cân đối thời gian học tập, sẽ rất cần những lời khuyên của cố vấn. Các trường đã làm đúng tin thần này chưa, đúng trách nhiệm của mình chưa hay chỉ tìm cách loại sinh viên?” – TS Khuyến đặt câu hỏi.

Ông cho rằng, không phủ nhận trong số những sinh viên bị buộc thôi học vì kết quả học tập kém, sẽ có những em mải chơi, nhưng số lượng bị thôi học nhiều như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về các trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn