MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường mầm non phải rao bán trường, thậm chí giải thể. Ảnh: Tường Vân.

Hàng loạt trường tư thục mầm non rao bán, "sang nhượng" cả cô lẫn trò

Tường Vân LDO | 23/11/2021 17:48

Dịch bệnh kéo dài, học sinh tạm dừng đến trường, hàng loạt trường mầm non tư thục ở 3 miền Bắc – Trung – Nam phải treo biển rao bán trường, hoặc đăng thông tin lên mạng xã hội để tìm người sang nhượng lại tài sản, kể cả giáo viên, học sinh.

Rao bán trường, "sang nhượng" cả giáo viên

Trong nhiều tháng nay, gia đình anh Tiến luôn trong tâm trạng thấp thỏm, sốt ruột đợi người liên lạc hỏi mua lại Trường mầm non tư thục Ánh Ánh Dương (Củ Chi, TPHCM) mà anh đã rao bán cách đây hàng tháng trời. Mức giá được anh công khai là 350 triệu đồng. 

 Trường mầm non tư thục Ánh Ánh Dương (Củ Chi, TP.HCM) được rao bán với giá 350 triệu đồng. Ảnh: NVCC.

Trường mầm non tư thục của gia đình anh có diện tích tới 1.000m2, gồm 9 phòng, có hồ bơi, có khu vui chơi cát sỏi, sân chơi trong nhà và ngoài trời rộng rãi.

Xác định gắn bó với nghề, gia đình anh Tiến đã chi trả khoảng hơn 700 triệu đồng để đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất từ tivi, máy lạnh, giàn năng lượng nước nóng, camera trực tuyến,...

“Mức giá tôi rao bán chỉ bằng 1 nửa so với định giá khi chưa có dịch bệnh. Nghĩ mà tiếc công sức, tâm huyết gây dựng từ ngày trường mới mở, chỉ có 1,2 cháu vẫn phải đóng tiền mặt bằng, thuê giáo viên,…

Xót xa lắm nhưng không còn cách nào khác. Nếu ai có thiện chí mua, thậm chí tôi có thể hạ giá thấp hơn nữa. Tôi xác định ra đi với 2 bàn tay trắng, để lại hết tất cả, cả giáo viên và thậm chí cả học trò, chỉ mong gỡ lại được ít vốn đầu tư” – anh Tiến nói.

Anh Tiến chia sẻ thêm, ở địa bàn anh sinh sống đã có rất nhiều nhóm lớp, trường mầm non tư thục phải đóng cửa vì dịch bệnh. Trường học của anh trụ được đến giờ đã là quá may mắn.

Còn tại Hà Nội, chị Thanh Yến - chủ nhóm trẻ mầm non tư thục Chi Anh tại Thanh Trì, Hà Nội cũng đang rao bán trường, "sang nhượng" cả giáo viên, cả trò với mức giá chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng.

“Nhóm lớp rộng, thoáng mát, khu vực đông dân cư. Hiện tại có 3 lớp hoạt động với khoảng 40 cháu. Tôi để lại hết, không lấy đi bất kỳ gì, đồ đạc, kể cả giáo viên, học sinh. Giá tôi đưa ra gần như chỉ tính vào tiền đầu tư cơ sở vật chất. Tôi xác định giải thể về quê, chứ không thể trụ được nữa” - chị Yến thông tin. 

Trường học tại 3 miền Bắc - Trung - Nam đồng loạt rao bán

Trên các hội nhóm, trường mầm non tư thục 3 miền Bắc - Trung - Nam đồng loạt rao bán. Ảnh: Tường Vân.  

Không chỉ ở Hà Nội hay TP.HCM, tình trạng rao bán, sang nhượng trường mầm non diễn ra tại nhiều tỉnh thành, dọc 3 miền Bắc - Trung - Nam. Khắp các trang mạng xã hội, dễ dàng tìm kiếm hàng chục tin bài đăng sang nhượng trường mầm non giá rẻ với muôn vàn tiêu chí khác nhau.

Mức giá mà các chủ trường đưa ra chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô, diện tích, số lượng học viên phương pháp giảng dạy, vị trí dân cư,...

Đa số các chủ trường đều nói rằng, do dịch bệnh kéo dài, học sinh nghỉ học, trường không có bất kỳ nguồn thu nào, chi phí duy trì mặt bằng, cơ sở vật chất,... hàng tháng quá lớn, nguồn vốn đầu tư lại cạn kiệt, buộc họ phải rao bán trường với mức giá như “cho”.

Lý giải về độ chênh lệch giá tiền giữa các cơ sở mầm non tư thục, chị Nga - chủ 1 nhóm trường mầm non trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, nhóm trẻ, trường mầm non tư thục được đầu tư, xây dựng theo chương trình học của mô hình Montessori, thuê sàn chung cư,... mức giá sẽ cao hơn, có thể đạt từ 500 - 700 triệu. Còn nhóm trẻ tư thục truyền thống, kể cả đầy đủ hết đồ dùng, quy mô 50 học sinh cũng chỉ bán được từ 50 - 100 triệu đồng. 

"Nói thẳng thừng là chúng tôi buộc phải rao bán trường với mức giá rẻ bèo. Gần 20 năm gắn bó với nghề, tôi chưa bao giờ tưởng tượng được cảnh phải làm những việc như ngày hôm nay" - chị Nga xót xa nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn