MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau hội đồng: Rất báo động về bạo lực học đường

Vương Trần - Quách Du LDO | 15/03/2021 15:57

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, nhiều sự việc học sinh đánh nhau ngay trong lớp học, đánh nhau hội đồng lại dấy lên nhiều lo ngại rất đáng báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường.

Chỉ những mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội đã dẫn tới ẩu đả

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài 5 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị bạn đánh ngay trong lớp học. Sự việc được xác nhận xảy ra tại trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Trước đó, tại Hà Nội, xuất phát do mâu thuẫn liên quan tin nhắn trên mạng xã hội, 1 nữ sinh Trường THCS Sen Phương (huyện Phúc Thọ, HN) bị đánh hội đồng và tung lên mạng xã hội.

Trường hợp một nữ sinh THCS bị nhóm học sinh khác đánh “hội đồng” cũng diễn ra tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng ngay đầu tháng 3. Những sự việc này khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng về văn hoá ứng xử của học sinh trong nhà trường.

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Đào tạo bồi dưỡng - Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, câu chuyện bạo lực học đường đã được đề cập và nhắc tới nhiều lần. Những sự việc vừa qua, một lần nữa dấy lên những lo ngại rất đáng báo động về bạo lực học đường.

“Rõ ràng ở một góc độ nào đó, văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên đang có những chiều hướng đáng báo động. Trong đó những hành vi như bạo lực học đường, cả về xâm phạm thân thể cũng như tinh thần của học sinh ngày càng nhiều hơn” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà nói và cho rằng những biện pháp giáo dục về văn hoá ứng xử trong nhà trường có thể chưa thực sự phát huy hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà. Ảnh T.Vương

Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia Phạm Mạnh Hà cho rằng, có những mâu thuẫn, xuất phát từ những xích mích rất nhỏ trên mạng xã hội. Nhưng cũng từ đó, nhiều học sinh đã có những bột phát và có những hành vi thiếu chuẩn mực, dẫn tới những sự việc đáng tiếc.

Theo ông Hà, để học sinh có những ứng xử phù hợp trên không gian mạng xã hội, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc cần có sự hướng dẫn từ 2 phía gia đình và nhà trường. Trước tiên là về phía gia đình cần có sự quan tâm, theo sát các con, hướng dẫn các con trong việc tiếp cận các vấn đề trên mạng. Ở góc độ nhà trường cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, chương trình, hoạt động trải nghiệm cho học sinh giao tiếp, thực hành, ứng xử với nhau trên cả không gian mạng xã hội.

Cần giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống từ nhỏ

Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, những hành vi ứng xử của học sinh trong những sự việc vừa qua là điều rất đáng buồn. Nhiều học sinh sẵn sàng nói chuyện với nhau bằng “nắm đấm” thay vì nói chuyện, trao đổi với nhau. Ở góc độ tâm lý, đây là lứa tuổi học sinh đang có những diễn biến tâm lý khác thường, “chưa chín”. Do vậy, các bậc phụ huynh và giáo viên cần nắm được điều này để có những hướng dẫn cho phù hợp.

TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh HP

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Tâm, hiện nay chương trình giáo dục còn nặng nề về kiến thức mà chưa thực sự chú trọng những kỹ năng và giá trị sống, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

“Nhiều học sinh chưa trang bị được đủ các giá trị giáo dục sống như giá trị yêu thương, giá trị tôn trọng, giá trị khoan dung. Học sinh không được giáo dục một cách đầy đủ về những việc này thì khi tiếp nhận những cái xấu các em dễ làm theo, dễ bị lôi kéo, thậm chí kích động dẫn tới những hành vi bột phát” - TS Lâm phân tích.

Do đó, ông Lâm cho rằng, cần phải giáo dục và định hướng cho học sinh về văn hoá ứng xử, nền nếp từ nhỏ tới lớn. Trong đó đặc biệt chú trọng giá trị sống và kỹ năng sống cho học sinh. Những sự việc vừa qua lại một lần nữa nhắc nhở học sinh cần có những ứng xử phù hợp mọi lúc mọi nơi và cả trên mạng xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn