MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên hợp đồng Trường THCS Xuân Sơn, xã Sơn Tây - cùng các thầy cô giáo ở các quận, huyện khác của Hà Nội đi kiến nghị cơ quan chức năng. Ảnh: VŨ NINH

Hàng nghìn giáo viên hợp đồng chưa thi đã biết trượt

Duy Thiên LDO | 14/09/2019 16:28

Gần 3.000 giáo viên hợp đồng lâu năm của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất việc rất rõ ràng bởi không một ai đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt. Tức là họ sẽ phải tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 với các điều kiện không có bất cứ sự ưu tiên nào.

Những tâm sự đẫm nước mắt

Thành phố Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu tại Hội nghị về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019. Như vậy, sau nhiều tháng ngày kêu cứu, cuối cùng số phận công việc của gần 3.000 giáo viên hợp đồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội sẽ được định đoạt bằng chính năng lực thi cử của họ chứ không phải kinh nghiệm đứng lớp hàng chục năm hay thời gian cống hiến trong ngành giáo dục. Họ sẽ phải thi với cả những người trẻ tuổi, được trang bị các kỹ năng hiện đại và có thể là cả trình độ tin học, ngoại ngữ cũng bài bản hơn.

Thực tế là, những giáo viên hợp đồng này bước chân vào kỳ thi sắp tới, ngoài kinh nghiệm giảng dạy và thâm niên công tác thì còn là nỗi lo sợ. Họ sợ bị thất bại trước các đối thủ trẻ tuổi, thậm chí có người mới ra trường. Những người trẻ có kỹ năng sư phạm vừa được trau dồi theo phương pháp hiện đại, đồng thời kiến thức trên lớp vẫn chưa bị “rơi rụng” theo năm tháng. Nỗi sợ khác, cũng không phải không có cơ sở, đó là họ sợ sự thiếu minh bạch sẽ xảy đến với họ như những ví dụ từng diễn ra ở nhiều nơi khác.

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Hiệu - giáo viên trường THCS Kim Lũ, huyện Sóc Sơn - cho biết: “Chúng tôi rất hy vọng với những gì đã có thì sẽ được xét tuyển đặc biệt, nhưng cuối cùng không một ai nằm trong đối tượng được đặc cách. Quyết định vừa công bố không hề có chính sách ưu đãi gì đối với giáo viên hợp đồng lâu năm như chúng tôi. Bản thân anh chị em giáo viên chúng tôi giờ không biết có thi hay không, đặc biệt là ở phần phỏng vấn vì chẳng có căn cứ nào để khiếu nại, cũng không ai giám sát, bảo sai thì sai, bảo đúng là đúng. Trong khi đó, quy định không cho phép người trượt phỏng vấn có quyền khiếu nại, thắc mắc”.

Một cô giáo khác (đề nghị giấu tên) của trường THCS Đông Xuân (Sóc Sơn) cũng cho rằng, quyết định xét tuyển không có thay đổi gì về quyền lợi cho giáo viên hợp đồng. Các cô sợ phải thi vì biết rằng rất khó cạnh tranh được với các bạn trẻ về ngoại ngữ, tin học. Thất bại, với các cô, không chỉ là thất nghiệp mà còn là mất sĩ diện, danh dự với biết bao thế hệ học trò mà mình đã dạy.

Với thông báo như vậy của Hà Nội, các giáo viên hợp đồng buộc phải chọn lựa giữa thi - không thi để có cơ hội giữ lấy công việc, bảo vệ sĩ diện hay “bỏ chạy” để tránh cái tiếng thi trượt. Như bà Trần Thị Toàn - Phó Trưởng Phòng Nội vụ (UBND huyện Sóc Sơn) - từng nhận định: “Về góc độ cá nhân, tôi rất thương các thầy cô giáo hợp đồng lâu năm. Nhưng bây giờ, cơ chế chính sách như vậy, Nghị định 161 của Chính phủ ban hành thì không thể có xét tuyển đặc cách với các trường hợp không đủ điều kiện. Đi thi thì không thể nói là mình có tuổi rồi”.

Những người thầy chưa thi đã trượt

Điều buồn nhất với nhiều giáo viên - đó là cảm giác bị bỏ rơi bởi khi thiếu giáo viên thì các thầy cô đã đóng góp sức mình trong nghiệp trồng người, nhưng giờ tinh giảm lại bị “loại thải”. Họ còn cảm thấy nhiều ấm ức.

Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn với 256 giáo viên hợp đồng của huyện, có cô giáo đã khóc giữa hội trường khi nói về tâm huyết suốt 23 năm cống hiến trong ngành giáo dục. Khi đủ điều kiện thì cơ quan chức năng “quên”, giờ không ai có lỗi, chỉ có các cô chịu thiệt khi tuổi nghỉ hưu đã cận kề. “Nếu thi, chắc chắn tôi sẽ trượt. Tôi trượt không phải vì chuyên môn mà vì mấy chục năm nay kiến thức ngoại ngữ đã rơi rụng hết” - cô giáo có tuổi nói trong nước mắt. Trong khi đó, năm nay là năm đầu tiên đòi hỏi thi viên chức phải có môn ngoại ngữ.

Trong số hàng nghìn giáo viên đang đứng trước nguy cơ mất việc, rất nhiều giáo viên dạy giỏi cấp quận, huyện, thành phố, thậm chí còn có những người đã được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều giáo viên cho hay, trong suốt cuộc đời dạy học của mình cho tới lúc này, chưa một lần được thông báo thi công chức, viên chức.

“Từ năm 1998 tới nay, đã 20 năm rồi, huyện Sóc Sơn chưa từng tổ chức thi công chức cho giáo viên môn Ngữ Văn” - cô giáo Vũ Thị Yên (Trường THCS Phú Minh) nói. Cô Yên cho biết thêm, bản thân nhiều năm là giáo viên dạy giỏi, là chiến sĩ thi đua, tổ trưởng bộ môn của nhà trường, thậm chí còn được tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Hay như cô Nguyễn Thị Thơm (Trường Tiểu học thị trấn Sóc Sơn) cũng từng là giáo viên dạy giỏi, kèm cặp giúp đỡ nhiều thế hệ giáo viên trẻ mới về trường nhưng “bây giờ có đi thi thì 100% tôi lại vẫn sẽ trượt” - cô Thơm nói.

Được thi tức còn có cơ hội, dù theo các thầy cô là rất nhỏ nhoi. Có những giáo viên thậm chí còn không có cơ hội để bước chân vào vòng “hồi hộp” vì giữa tháng 8 vừa rồi, trước thềm năm học, hàng loạt giáo viên đã bị cắt hợp đồng tại một số địa phương như huyện Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây… Có những trường hợp như thầy giáo Nguyễn Viết Tiến (Trường THCS Xuân Sơn, Sơn Tây), cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thùy (THCS Đường Lâm, Sơn Tây) giảng dạy được 16, 17 năm nay cũng bị nhà trường chấm dứt hợp đồng. Dù mười mấy năm qua, những người như thầy Tiến, cô Thùy vẫn “cam chịu” một mức lương thấp khó có thể ngờ: 2,1 mức lương cơ bản, không phụ cấp, không tăng lương...

TP.Hà Nội xây dựng 3 phương án tuyển dụng viên chức ngành giáo dục gồm: Phương án thứ nhất: Thi tuyển 2 vòng; Phương án thứ 2: Xét tuyển theo 2 vòng; Phương án thứ 3: Xét đặc cách cho một số trường hợp đặc biệt. Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định, tuyển dụng đặc biệt được áp dụng đối với trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng BHXH bắt buộc, không kể thời gian tập sự, thử việc theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi nhanh với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, đây quả thật là vấn đề nan giải và cũng phải cân nhắc để chọn ra được hướng đi phù hợp, không thể để các thầy cô quá thiệt thòi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn