MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Lê Thị Hòa với hành trình 12 năm “gieo chữ” nơi cửa Phật. Ảnh: Lan Nhi

Hành trình 12 năm “gieo chữ” của cô giáo Lê Thị Hòa

Lan Nhi - Phạm Đông LDO | 14/10/2019 15:28

Từ nhiều năm nay, lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đã trở thành mái ấm thứ hai của nhiều trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ... không có khả năng học tập tại các lớp học bình thường.

Lớp học “vầng trăng khuyết”

Không có tiếng trống trường rộn rã, không có khuôn viên rực rỡ ngàn hoa, lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan đã duy trì như vậy trong bao năm qua, bình dị giữa xóm làng Đông Cựu.

Những đứa trẻ kém may mắn, khiếm khuyết không thể hòa nhập với cộng đồng tề tựu về đây cùng học tập theo phương pháp đặc biệt của cô Hòa.

Từng là đứa trẻ rụt rè nép sau lưng mẹ ngày nào, giờ đây nhiều em đã tự tin hơn, có thể đọc, viết và giao tiếp một cách bình thường.

Chị Nguyễn Thị Chinh (sinh năm 1984) phụ huynh của em Hoàng Văn Tú đến chùa từ rất sớm để bắt đầu buổi học.
Lớp học tình thương được cô Hòa giảng dạy tại chùa Hương Lan.

Năm 1992, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm (nay là Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây), cô Hòa được phân công dạy học tại Trường Tiểu học Trường Yên (huyện Chương Mỹ). Sau đó, cô chuyển công tác về Trường Tiểu học Đông Sơn và làm Tổng phụ trách Đội từ đó tới nay.

Cảm thông trước hoàn cảnh của những đứa trẻ kém may mắn, cô Hòa thường xuyên cùng đồng nghiệp của mình tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh tham quan di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ... từ đó khơi gợi lòng biết ơn, lòng trắc ẩn trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.

Lớp học bình dị dành cho những đứa trẻ kém may mắn, khiếm khuyết, có thêm cơ hội hòa nhập với cộng đồng.

Nói về lí do mở lớp học tình thương, cô giáo Lê Thị Hòa (sinh năm 1973, Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi ngày xưa rất nghèo khó, bố mẹ tôi đều là trẻ mồ côi. Cảnh nhà cơ cực, cha mẹ quanh năm làm lụng quần quật kiếm từng đồng nuôi con, nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Sự cùng cực đó đến bây giờ vẫn ám ảnh trong tôi.

Nghèo khó là vậy, nhưng bố mẹ tôi vẫn luôn tạo điều kiện hết mức, động viên các con phải cố gắng học hành cho nên người...”.

Cô Hòa thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa cho học sinh của mình.

Những trang giáo án không soạn mẫu

Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan ra đời xuất phát từ sự thấu cảm đó. 12 năm miệt mài dạy trẻ khuyết tật, cô Hòa không theo bất cứ một trang giáo án soạn mẫu nào.

Cô tâm niệm, mỗi một đứa trẻ sinh ra đều cần có một phương pháp giáo dục khác nhau để khơi gợi và phát huy điểm mạnh của chúng. Không thể rập khuôn máy móc, tùy tiện áp đặt cách giảng dạy lên những đứa trẻ.

Cô Hòa tận tình chỉ bảo cho từng em học sinh tại lớp học.
Với những việc làm có ý nghĩa đó, năm 2019, cô Lê Thị Hòa đã được thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.

Theo cô Hòa, để hiểu và nhớ một đoạn thơ, một bài hát, cả cô và trò có thể phải mất tới vài ba tháng, thậm chí nửa năm, thế nhưng hành trình ấy chưa bao giờ là nguội tắt.

Từ những lớp học bình dị này, nhiều em đã có thể tốt nghiệp, hòa nhập với cộng đồng như em Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (ở xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ).

Những ước nguyện: “Em muốn làm công nhân... em muốn làm cô giáo” vẫn sẽ được nuôi dưỡng từ những trang giáo án không soạn mẫu của cô giáo Hòa, từ "mái trường" Hương Lan, để nhiều trẻ em thiệt thòi có cơ hội biết đọc, biết viết và không ngừng viết tiếp những giấc mơ cuộc đời...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn