MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình chạm tay tới học bổng Harvard của cô nữ sinh nghèo

Minh An LDO | 07/03/2022 13:52

Ngoài thành tích học tập xuất sắc, trải nghiệm phong phú và lối suy nghĩ vì cộng đồng đã giúp Seema gây ấn tượng với ban tuyển sinh tại Harvard.

Seema Kumari sinh ra và lớn lên tại làng Dahu, Ormanjhi tại Jharkhand. Cha mẹ cô là nông dân nghèo kiếm sống bằng nghề trồng trọt và không có học vấn.  Seema là người đầu tiên trong gia đình học lên bậc đại học. 

Năm 2021, Seema đã dành cho mình một vị trí tại ngôi trường danh giá Havard khi mới 17 tuổi. Tại thời điểm đó, tỉ lệ được nhận vào Harvard là rất thấp chỉ 3,4% tổng số người nộp đơn. 

Seema (trái) cùng các bạn/Ảnh: The Telegraph.

Năm 2012, Seema tham gia đội bóng tại trường Yuwa, thuộc tổ chức phi chính phủ được thành lập nhằm giúp đỡ những cô gái đến từ gia đình không có điều kiện. Sau đó, cô trở thành đội phó và tham dự giải Donosti tại Tây Ban Nha năm 2016. Vài năm sau, cô trở thành huấn luyện viên bóng đá để kiếm tiền đóng học phí. Seema tốt nghiệp trường Yuwa năm 2021. Cũng như những người sáng lập Yuwa và những học viên ở đây, Seema đấu tranh chống lại hủ tục tảo hôn và đấu tranh cho quyền được hưởng giáo dục. 

Theo Hiệu trưởng trường Yuwa, bà Rose Thomson: "Seema được chọn vào Harvard chủ yếu dựa vào kết quả học tập" và “sự đa dạng của em ấy đã giúp em ấy đạt được những thành tựu như bây giờ".

Trước đó, Seema đã được chọn tham gia chương trình mùa hè tại Washington năm 2018 và Cambridge năm 2019. Ngoài ra, cô còn tham gia chương trình trao đổi kéo dài một năm với một trường học tại Mỹ. Có lẽ chính thành tích học tập xuất sắc, trải nghiệm phong phú và lối suy nghĩ vì cộng đồng đã giúp Seema gây ấn tượng với ban tuyển sinh tại Harvard. Ngoài ra, Seema còn được nhận vào 3 ngôi trường khác: đại học Ashoka, cao đẳng Middlebury và cao đẳng Trinity.

Khi được hỏi về phương pháp học tập, Seema chia sẻ: “Em không lớn lên với việc đọc sách hay tiếp cận với những nguồn tài liệu giáo dục. Việc học của em bắt nguồn từ thực tế cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, tham gia làm nông, chăm sóc gia súc, vật nuôi".

Phụ huynh của Seema rất mừng cho con gái dù không thực sự hiểu tầm quan trọng của gói học bổng. Seema từng chia sẻ: "Cha mẹ em thậm chí không biết tên của ngôi trường tầm cỡ quốc tế này và cũng không thực sự hiểu em đã đạt được điều gì". Cô cũng  thổ lộ bản thân đã bị choáng ngợp với những tin nhắn từ mạng xã hội kể từ khi sự thành công của cô được nhiều người biết đến. 

Về kế hoạch tương lai, trích lời Seema từ Yuwa India: "Em muốn thấy sự bình đẳng giới ở làng mình cũng như trên toàn thế giới. Em có kế hoạch xây dựng một tổ chức cho những người phụ nữ trong làng em. Chương trình sẽ dạy cho họ cách độc lập tài chính, cung cấp những kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp cần thiết”.

Theo Seema: “Bình đẳng giới là điều mà làng em cần đẩy mạnh. Việc khiến người dân nhạy cảm hơn với vấn đề này sẽ giúp giảm thiểu sự bất công mà người phụ nữ phải chịu đựng như phân biệt giới tính, bạo lực gia đình, tảo hôn,... Nếu phụ nữ được đưa ra quyết định trong gia đình thì không chỉ xã hội phát triển mà kinh tế cũng sẽ phát triển theo".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn