MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Em Vừ A Phía (áo đen giữa) - một trong 39 thí sinh của tỉnh Sơn La đạt điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử bên gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Hành trình chạm tay vào điểm 10 của cậu học trò người Mông ở núi cao Sơn La

Khánh Linh LDO | 28/07/2022 11:22

Sơn La - Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn ở xã vùng cao của huyện Mai Sơn, vượt lên nghịch cảnh, cậu học trò nghèo Vừ A Phía đã trở thành một trong 39 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử của tỉnh.

Gian nan đường đến trường

Kể từ khi điểm thi THPT Quốc gia năm 2022 được công bố, không khí tại bản Huổi Lặp, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La dường như phấn khởi hơn. Trong câu chuyện trên nương, dưới đồng của bà con dân tộc Mông nơi đây đều xoay quanh việc cậu học trò Vừ A Phía của bản vừa đạt điểm 10 môn Lịch sử. Họ nhắc đến như một niềm tự hào của những người dân bản vùng cao còn nhiều gian khó. 

Những ngày cuối tháng 7.2022, sau khi vượt qua gần 120km đường quanh co, khúc khuỷu từ trung tâm huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, men theo những con đường đất uốn quanh, PV đã có mặt tại nhà em Vừ A Phía, chàng trai người dân tộc Mông đầu tiên đạt điểm 10 môn Lịch sử của tỉnh Sơn La.

Trong ngôi nhà gỗ truyền thống của người Mông nằm yên bình dưới những tán cây là nơi sinh sống của bố mẹ và 5 anh em Phía.

 Bản vùng cao Huổi Lặp, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La - nơi cậu học trò dân tộc Mông Vừ A Phía sinh ra và lớn lên.

Phía tâm sự: "Cấp tiểu học em học tại điểm trường Tiểu học bản Hua Pư thuộc Trường Tiểu học Chiềng Nơi 2, cứ một buổi đi học, buổi còn lại ở nhà giúp đỡ bố mẹ việc nhà, cùng lên nương hoặc đi cắt cỏ cho bò". 

Cũng như những đứa trẻ khác, tuổi thơ của Phía lớn lên trong sự thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần khi bản em sinh sống cách trung tâm xã đến gần 20km, cả quãng đường vẫn hoàn toàn là đường đất và đến năm 2018 bản của Phía mới chính thức có điện. 

Đến cấp 2, cậu học trò cùng bạn cắp sách xuống học tại Trường PTDT bán trú THCS Chiềng Nơi và bắt đầu cuộc sống tự lập, xa vòng tay của bố mẹ từ khi mới hơn 10 tuổi. 

"Tuần nào trời không mưa thì em gọi bố mẹ xuống đón về thăm nhà, còn trời mưa đường trơn thì có nhớ nhà cũng phải chịu, vì đường đất mưa xuống lầy lội lắm" - Phía bộc bạch. 

Cũng chính vì đường về bản chưa được được bê tông hóa, nên suốt 3 năm cấp 3, khi theo học tại Trường PTDT nội trú  THCS & THPT Mai Sơn cách nhà hơn 100km, số lần về nhà của Phía chỉ được đếm trên đầu ngón tay. Nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ được cậu học trò nghèo nén lại và chuyển thành những nỗ lực không ngừng nghỉ để có được trái ngọt hôm nay.

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Chia sẻ về những nỗ lực vượt khó, Phía bảo - điều quan trọng nhất là trên lớp phải tập trung nghe thầy cô giáo giảng, về nhà tập trung ôn lại những kiến thức đã học, hoàn thành bài tập thầy cô giao. Gặp bài khó, không ngần ngại hỏi bạn bè, thầy cô để tìm ra cách giải. 

"Những lúc em học bài sẽ tập trung cao độ, nhiều khi các bạn nói em lạnh lùng, nhưng không tập trung thì không thể học được.

Để đạt thành quả như ngày hôm nay, em đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô, đặc biệt là thầy chủ nhiệm và thầy giáo dạy bộ môn lịch sử. Các thầy đã không ngần ngại giải đáp những thắc mắc của em trong suốt quãng thời gian em ôn tập" - cậu học trò tâm sự.

Nói về ước mơ của của mình, mắt Phía sáng ngời, bộc bạch: "Trước mắt em dự kiến sẽ đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, với chuyên ngành Giáo dục Tiểu học. Em muốn sau khi ra trường sẽ mang con chữ trở về dạy lại cho các em vùng cao ở bản. Em sẽ mang tình yêu thương trao cho các em như những gì đã được nhận từ các thầy cô giáo". 

Trường PTDT nội trú THCS & THPT Mai Sơn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nơi Vừ A Phía theo học 3 năm cấp 3.  

Nhưng vui niềm vui của mình, Phía lại lo cho nỗi lo của bố mẹ. Được biết nhà em thuộc hộ nghèo trong bản, tài sản không có gì ngoài mảnh nương nhỏ với 2 con bò, để mấy anh em được học cái chữ bố mẹ em cũng đã cố gắng rất nhiều.

"Nếu xuống Hà Nội học, chi phí sinh hoạt ở thủ đô đắt đỏ, chưa biết bố mẹ em sẽ xoay sở thế nào" - Vừ A Phía nói rồi đưa mắt nhìn xa xăm. 

"Nhưng em sẽ luôn tiếp tục cố gắng, em hy vọng một ngày nào đó sẽ mang chính những kiến thức mình học được để về góp phần xây dựng bản làng, nơi em sinh ra và lớn lên". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn