MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình tìm lại nụ cười cho trẻ khuyết tật

Phương Thuý LDO | 08/03/2023 17:40

Hàng trăm em nhỏ khuyết tật tại Trung tâm Trợ giúp và Can thiệt sớm trẻ khuyết tật Hương Giang (Yên Bái) tự tay làm những món quà đặc biệt nhân ngày 8.3.

Chia sẻ về việc dạy nghề cho học sinh của trung tâm, bà Lương Thị Thu Hà cho biết, năm 2018, Trung tâm đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Thắp sáng ước mơ”, đưa nghề làm hoa giấy và sáng tạo các sản phẩm thủ công tới với các em học sinh khuyết tật.

Các sản phẩm này đã được nhiều người biết tới, trở thành món quà đặc biệt, không chỉ đem lại niềm vui cho người được tặng mà còn mang ý nghĩa to lớn, tạo niềm vui cho các em tại trung tâm và gia đình.

“Dù gặp không ít khó khăn, song với sự quyết tâm và được Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam và chính quyền địa phương giúp đỡ, năm 2014 tôi đã thành lập nên Trung tâm Trợ giúp và Can thiệt sớm trẻ khuyết tật Hương Giang" - bà Lương Thị Thu Hà chia sẻ.

Sau 9 năm hoạt động (từ năm 2014), trung tâm đã phục hồi chức năng cho khoảng 1.000 trẻ kém may mắn.

Đặc biệt, trong dịp 8.3 này hoạt động làm hoa, quà và các sản phẩm trang trí của các em nhỏ khuyết tật tại trung tâm đang diễn ra rất sôi nổi.

Chỉ bằng những vật liệu đơn giản, dễ kiếm như giấy nhún, bẹ ngô, vỏ hạt vừng, quả thông... dưới bàn tay tỉ mỉ của các em học sinh khiếm khuyết, những bông hoa sặc sỡ ra đời. 

Những sản phẩm do tự tay các em nhỏ khuyết tật làm nên. Ảnh: Trung tâm cung cấp 
Tùy từng thời điểm, trung tâm sẽ có lượng học sinh khác nhau, trung bình khoảng 60-70 trẻ và 15 giáo viên. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Trong dịp 8.3 này, ngoài các bó, lẵng hoa độc đáo, phòng trưng bày các sản phẩm của Trung tâm Hương Giang còn luôn có sẵn các sản phẩm thủ công như tranh nón, tranh mẹt, tranh giấy xoắn, vòng hoa treo cửa... 

Sản phẩm tranh đá ngộ nghĩnh, đáng yêu do tự tay các em nhỏ khuyết tật làm nên. Ảnh: Trung tâm cung cấp
10.000 đồng cũng có thể mua 1 túi thơm hay 1 bông hoa dành tặng người thân. Ảnh: Trung tâm cung cấp
Khách tới tham quan phòng trưng bày và ủng hộ sản phẩm do trẻ khuyết tật làm. Ảnh: Trung tâm cung cấp

Cô giáo Nguyễn Thúy - người dạy nghề các em cho hay: “Tuy tiến độ làm sản phẩm của các em khuyết tật sẽ chậm hơn những người khác, nhưng lại rất tỉ mỉ, cẩn thận.

Chúng tôi hy vọng rằng, các em khuyết tật tới đây không chỉ biết nói, biết tư duy theo đúng lứa tuổi mà các sản phẩm các em làm ra được nhiều người biết đến, được cộng đồng ủng hộ. Từ đó các em sẽ có một công việc, giúp các em tự nuôi sống được bản thân mình trong tương lai”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn