MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hành trình trở thành nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới của người Việt

Thiều Trang LDO | 25/01/2023 09:47

Đầu xuân Quý Mão, cùng Báo Lao Động trò chuyện với TS Trần Nguyễn Hải (Trường Đại học Duy Tân) - nhà khoa học Việt xếp thứ 13.713 trong Bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới.

- Năm 2022, ông là một trong 37 người Việt vào top nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới. Thành tựu này hẳn không phải đột nhiên mà có, đây là kết quả của một sự chuẩn bị lâu dài, mong ông chia sẻ về quá trình này?

Bảng xếp hạng các nhà khoa học (NKH) có ảnh hưởng nhất thế giới do GS John P.A. Ioannidis và các cộng sự của Đại học Stanford (Hoa Kỳ) nghiên cứu và công bố lần đầu tiên trên tập san PLoS Biology vào 8.2019 sử dụng nguồn dữ liệu Scopus (thuộc Nhà xuất bản Elsevier) đáng tin cậy.

Bảng xếp hạng này dựa vào nhiều tiêu chí nhưng cốt lõi vẫn đánh giá dựa trên chất lượng nghiên cứu và vai trò/vị trí của NKH trong bài báo hơn là chú trọng đến số lượng và thâm niên công bố của NKH. Tôi bắt đầu công bố bài báo ISI đầu tiên hạng Q3 (phân hạng tập san Q1-Q4; Q1 là hạng cao nhất) vào giữa năm 2 của chương trình nghiên cứu sinh tại Đại học Trung Nguyên (Đài Loan, Trung Quốc). Một năm sau công bố, bài báo đạt danh hiệu “Rising Star” do tập san bình chọn.

Có nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng nghiên cứu, nhưng theo tôi một bài báo chất lượng cần đảm bảo 3 yếu tố: hàm lượng khoa học tốt, cách viết (cách giải thích kết quả) tốt và hình thức trình bày số liệu ấn tượng. 

Ba năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), tôi được chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng tặng Bằng khen "Đã có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín". Vào thời điểm đại dịch COVID-19, tôi đã bổ sung vào nguồn tài liệu tham khảo quốc tế thông qua công trình “SARS-CoV-2 coronavirus in water and wastewater: A critical review about presence and concern” (Sự hiện diện của vius SARS-CoV-2 trong nước và nước thải: Đánh giá tổng quan và mối quan tâm - PV). Sau khi công bố, bài báo đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ NAFOSTED và hiện tại được Web of Science công nhận là bài báo được trích dẫn cao. 

TS Trần Nguyễn Hải hiện đang công tác tại Trường Đại học Duy Tân, xếp thứ 13.713 trong 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022. Ảnh: Trần Hải

- Trong năm mới, ông có chuẩn bị gì cho việc chinh phục những thành tựu lớn hơn?

Hiện tại, trong lĩnh vực tôi theo đuổi có rất nhiều bài báo đã công bố (hoặc ở dạng bản thảo gửi tập san) lặp đi lặp lại những lỗi cơ bản. Một phần nguyên nhân có thể do người viết (thường là sinh viên) chưa nắm chắc kiến thức cơ bản và chưa biết cách phân tích/đánh giá số liệu nghiên cứu một cách khoa học. Do đó, tôi sẽ tập trung vào viết những bài nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết về nguồn gốc của các vấn đề mà các đồng nghiệp khác hay gặp phải. 

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện sách “Solid-Liquid Adsorption: How to Do Correct Batch Experiments and Analyze Data” (NXB Elsevier) (Xử lý ô nhiễm trong nước bằng công nghệ hấp phụ: Cách thực hiện thí nghiệm đúng và phân tích kết quả - PV) cũng là mục tiêu tôi cần đạt được trong năm tới. Đây là quyển sách chuyên ngành cung cấp kiến thức nền cho các bạn sinh viên và là nguồn tài liệu tham khảo tin cậy cho các đồng nghiệp trên thế giới.

Một tham vọng khác là cùng với các giáo sư đầu ngành hoàn thiện bảng phân loại và đánh giá chi tiết về than thủy nhiệt, than sinh học, than hoạt tính…

- Dựa theo thực tế hiện nay, mạng lưới các nhà khoa học nước ta cần làm gì để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tự tin tỏa sáng, thưa ông?

Theo tôi có nhiều chiến lược để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Trong đó ưu tiên là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học từ nội lực bằng cách lập các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước. Tuy nhiên, một số ngành đặc thù lại đòi hỏi sự giúp đỡ của công nghệ hiện đại từ các nước phát triển.

Trong điều kiện giới hạn về công nghệ và nguồn kinh phí thì hợp tác nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu dưới dạng bài báo khoa học trên các tập san quốc tế uy tín là lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Điều cốt lõi dẫn đến thành công của việc hợp tác nghiên cứu (trong và ngoài nước) là cần có sự chân thật, tôn trọng, cầu thị và chia sẻ. Thiếu đi một trong các yếu tố này thì việc hợp tác sẽ không đạt được sự bền vững, lâu dài.

TS Trần Nguyễn Hải (thứ 2 từ bên trái qua). Ảnh: Trần Hải

- Người Việt tỏa sáng ở đâu cũng làm rạng danh đất nước, vậy ông có lời khuyên gì để những du học sinh Việt Nam có thể khơi dậy tiềm năng, phát huy sức mạnh nghiên cứu khoa học và làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế?

Số lượng du học sinh Việt Nam ở các nước ngày một tăng. Đây là đội ngũ tri thức có thể giúp phát huy sức mạnh nghiên cứu khoa học của đất nước ở hiện tại và tương lai nếu được sự quan tâm và kết nối hiệu quả. Ở Việt Nam, mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã đi vào hoạt động, nhưng kết quả đạt được chưa thật sự cao như mong đợi.

Tôi có lời khuyên nhỏ đối với các bạn đang là du học sinh các nước rằng, nên tận dụng thời gian quý báu để trau dồi kiến thức chuyên môn và mở rộng mối quan hệ nghiên cứu khoa học quốc tế. Sau thời gian học này, các bạn sẽ lao vào công việc để kiếm sống và cống hiến, các bạn sẽ không còn nhiều thời gian để tự tìm tòi nghiên cứu và học tập.

- Vậy các nhà khoa học cần làm gì để chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường, thưa ông?

“Đoàn kết là sức mạnh”. Để xây dựng một Việt Nam hùng cường, các NKH trẻ có thể cộng tác và hỗ trợ các NKH có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đẩy mạnh các nghiên cứu chất lượng thông qua các công bố khoa học quốc tế. Từ sự kết nối này và sự trung hòa “cái tôi” giữa hai thế hệ, nhiều nghiên cứu cơ bản được kỳ vọng đi vào ứng dụng thực tiễn.

Sự hợp tác “đa ngành” cũng là một yếu tố quan trọng trong việc mở rộng phạm vi và chất lượng nghiên cứu. Bên cạnh các công bố khoa học quốc tế, sự danh tiếng của một NKH cũng được phản ánh thông qua vai trò ban biên tập cho các tập san quốc tế uy tín.

Tăng cường sự kết nối giữa các NKH trong và ngoài nước là nhân tố quan trọng trong việc chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường. Các NKH là người Việt Nam đang công tác ở các nước nên có sự cảm thông cho sự khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm/chuyên môn và tăng cường hỗ trợ các NKH trong nước.

Cảm ơn chia sẻ của ông!

TS Trần Nguyễn Hải tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Khoa học Đất, Trường Đại học Cần Thơ (Việt Nam), tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường, Chung Yuan Christian University (Đài Loan).

Hiện tại, TS Trần Nguyễn Hải đang làm việc tại Trường Đại học Duy Tân với chuyên ngành hấp phụ, xử lý nước, vật liệu, hóa môi trường, quản lý rác thải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn