MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường lồng ghép giữa các tiết học chính khoá khiến phụ huynh khó lòng từ chối tham gia. Ảnh: Vân Trang

Hé lộ mức hoa hồng khủng chi cho các nhà trường từ dạy thêm

Nhóm Phóng viên LDO | 13/09/2023 11:03

“Gia đình xin đăng kí cho con học…”; “Tôi đồng ý cho con tôi đăng kí tham gia...."... những lá đơn được đánh máy sẵn, phụ huynh chỉ cần ký vào là quy trình “thoả thuận” đã được hoàn tất. Hoạt động dạy thêm ngang nhiên được đưa vào trường học.

Phản đối rồi sau đó vẫn ký đơn "tự nguyện xin học"

Không đành lòng nhìn con phải bơ vơ, di chuyển sang phòng học khác, sợ bị cô lập với phần đông các bạn trong lớp, lo sợ con bị trù dập… Đấy là lí do chung rất nhiều phụ huynh tại Hà Nội dù không có nhu cầu và không hề muốn cho con tham gia, nhưng đành “cắn răng” chi tiền, từ vài trăm đến cả triệu mỗi tháng để đăng kí các lớp học thêm dưới mác “tự nguyện”.

Những mẫu đơn được các trường học in sẵn, phụ huynh chỉ cần kí là quy trình “tự nguyện” đăng kí học thêm đã hoàn tất. Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Các tiết học ngoại khoá, dạy thêm, học thêm được lồng ghép giữa các tiết học chính khoá khiến phụ huynh khó lòng từ chối tham gia. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Những nội dung dạy thêm, dạy kỹ năng sống lại được các trường xếp chèn vào thời khóa biểu trong buổi học chính khoá. Những học sinh không đăng kí sẽ phải di chuyển sang phòng học khác. Chính vì lẽ đó, không phụ huynh nào đành lòng không đăng kí cho con.

Anh L.V.L - phụ huynh có con học lớp 2 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội - cùng đại đa số phụ huynh trong lớp kiên quyết không đăng kí các lớp học thêm, học tăng cường tiếng Anh vì thấy không cần thiết. Tuy nhiên sau đó, vì nhiều lí do, cả 48 gia đình trong lớp đều đồng loạt “tự nguyện” làm đơn đăng kí học cho con.

“Giáo viên nhiều lần liên hệ phụ huynh, động viên cho các con theo học với lí do tích lũy thêm kiến thức. Những phụ huynh không đồng ý cho con học sẽ bị coi là “chống đối”. Thẳng thắn mà nói, trường đưa ra lí do học tốt cho các con nhưng thực chất là "moi" tiền phụ huynh và ăn phần trăm với các trung tâm ngoài. Càng nhiều học sinh thì lợi nhuận càng tăng lên” - anh V.L bức xúc nói.

Chị P.T.L (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tỏ ra ngán ngẩm: “Các lớp học liên kết đều được đưa vào tiết chính khoá. Như vậy đương nhiên khi các bạn học, con mình không đăng kí sẽ phải sang phòng học khác ngồi tạm. Không phụ huynh nào đành lòng nhìn con mình như vậy”.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại hầu hết các trường học ở quận Hà Đông, huyện Thanh Trì....

Tiết học Tiếng Anh - Khoa học (chương trình học liên kết) được trường học ngang nhiên xếp xen vào các tiết học chính khoá. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Mức hoa hồng lên đến 20%

Liên tục được giáo viên thúc giục đăng kí cho con học thêm, mỗi phụ huynh đều ngầm hiểu rằng, đằng sau “lá đơn tự nguyện đăng kí” là câu chuyện phần trăm hoa hồng giữa các công ty liên kết và nhà trường.

Trong văn bản thoả thuận với phụ huynh, Trường Tiểu học ở Hoàng Mai ghi, số tiền học phí thanh toán theo tháng, 100% chi trả cho các đơn vị tư nhân: TT Ngoại ngữ Bình Minh (lớp học Tiếng Anh BME- KIDs); Công ty cổ phần Giáo dục Gmaths (lớp học Tiếng Anh Toán và lớp Bổ trợ tiếng Anh thông qua Bộ môn Khoa học STEM). Nhưng thực tế, nhà trường sẽ được các đơn vị liên kết hoàn lại 20% mức thu của tổng số học sinh.

“80% Trung tâm giữ lại, chi trả theo đề án, giáo viên trực tiếp giảng; 20% chi trả lại cho nhà trường, để chi vào các khoản: Thuế thu nhập doanh nghiệp (2%); chi cơ sở vật chất, điện nước, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn (8%); chi cải cách tiền lương….” – Hiệu trưởng nhà trường, nói.

Mức hoa hồng 20% về cho các trường là mức phổ biến được các công ty tư nhân liên kết với các trường công lập hiện nay. Con số này sẽ có sự tăng giảm, tuỳ thuộc vào số lượng học sinh đăng kí học.

Văn bản thoả thuận giữa Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) và phụ huynh học sinh. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Con số này tưởng chừng rất nhỏ, nhưng khi nhìn vào tổng số học sinh đăng kí từ vài trăm đến vài nghìn em thì đây lại là nguồn thu khổng lồ.

Trong khi đó, mức thu của các khoá học từ khoảng 100.000 - hơn 400.000 đồng/tháng/học sinh có thể không là gì với 1 gia đình có điều kiện. Song, với những gia đình công nhân, gia đình có 2,3 con trong độ tuổi đến trường, đây là gánh nặng hàng tháng cho phụ huynh.

Đấy là chưa bàn đến câu chuyện chất lượng những đơn vị liên kết được đưa vào trường học như thế nào; học sinh tiểu học phải học thêm quá nhiều, khiến các em không còn thời gian tham gia các hoạt động kỹ năng.

Phụ huynh rất ủng hộ việc cho con tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, lớp học tăng cường, nhưng với điều kiện, việc triển khai phải công khai minh bạch, rõ ràng, trên tinh thần tự nguyện, sắp xếp phù hợp không lấn vào thời gian học chính khóa của học sinh.

"Rõ ràng những phần trăm hoa hồng từ các các công ty, các nhà cung cấp dịch vụ đã thôi thúc giáo viên, hiệu trưởng, thậm chí những nhà quản lí giáo dục đưa nhiều trung tâm, đơn vị tư nhân vào trường học, làm mất đi niềm tin của phụ huynh, toàn xã hội về ngành giáo dục" - chị Dương Thuỳ Linh, phụ huynh sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội, bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn