MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các tiết học thêm, học tăng cường được trường xếp xen kẽ vào buổi học chính khóa, khiến phụ huynh khó lòng từ chối. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Hé lộ mức “hoa hồng” từ hoạt động dạy thêm, dạy tăng cường trong trường học

Nhóm PV LDO | 13/09/2023 13:30

Dù lấy lý do dạy thêm, dạy tăng cường là tốt cho học sinh, nhưng phía sau là câu chuyện chia phần trăm “hoa hồng” giữa các đơn vị liên kết, kinh doanh với các nhà trường.

Phụ huynh quay cuồng với các lớp học thêm gắn mác “tự nguyện”

Chị Nguyễn Thuỳ Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy ngán ngẩm khi nhận thông báo các khoản thu đầu năm của con trai học lớp 3. Ngoài các tiết học tiếng Anh theo chương trình chính khoá, nhà trường còn đưa ra thêm 3 chương trình học liên kết. Mỗi chương trình sẽ do 1 trung tâm khác nhau đưa giáo viên vào giảng dạy. Học phí là khoảng 200.000 - 350.000/tháng/học sinh. Mỗi tuần học 3 - 4 tiết. Những tiết học này được xếp xen kẽ giờ học chính khoá.

“Giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho phụ huynh đăng ký. Phụ huynh nào không muốn đăng ký cho con học, buộc phải chuyển lớp, hoặc đến tiết học tăng cường con sẽ di chuyển sang phòng hội đồng. Phụ huynh áp lực vô cùng, dù không muốn vẫn phải đăng ký cho con học” - chị Thuỳ Linh bức xúc nói.

Trường hợp của chị Thuỳ Linh không phải duy nhất. Đầu năm học mới, Báo Lao Động nhận được hàng loạt phản ánh của phụ huynh tại Hà Nội và các tỉnh thành về việc học bị ép phải ký đơn “tự nguyện” đăng ký học thêm cho con.

Hé lộ những phần “hoa hồng”

Mặc dù nói việc dạy thêm, học thêm là để tốt cho học sinh, nhưng phụ huynh ai cũng hiểu, phía sau là câu chuyện phần trăm “hoa hồng” giữa các đơn vị liên kết, kinh doanh.

Đầu năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa ra 3 chương trình liên kết với 2 đơn vị doanh nghiệp khác nhau. Học sinh đăng ký học sẽ phải đóng phí và 20% số tiền thu về sẽ được đơn vị chi trả cho nhà trường.

“80% trung tâm giữ lại, chi trả theo đề án, giáo viên trực tiếp giảng; 20% chi trả lại cho nhà trường, để chi vào các khoản như: Thuế thu nhập doanh nghiệp (2%); chi cơ sở vật chất, điện nước, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn (8%); chi cải cách tiền lương...” - bà Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận.

Theo tìm hiểu của Lao Động, “mức hoa hồng 20% khi đưa các chương trình liên kết vào dạy tăng cường trong nhà trường” cũng là mức phổ biến được các công ty tư nhân trả cho các trường học. Tuy nhiên, con số này sẽ có sự tăng giảm, tuỳ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký học, càng nhiều học sinh học thì tỉ lệ “hoa hồng” càng cao.

Chưa tính đến chất lượng, hiệu quả, rõ ràng số tiền “hoa hồng” này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, nếu không có phần trăm chi trả, lợi ích, liệu các nhà trường có sốt sắng thúc giục, mời chào phụ huynh đăng ký học hay không. Và con số 20% kia sẽ được chi trả như thế nào?

Giải pháp nào cho nạn dạy thêm, học thêm trong trường?

Thầy Nguyễn Văn Lực - giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà - cho rằng, việc dạy thêm hiện nay thực tế không kiểm soát được diễn ra dưới nhiều hình thức: Phụ đạo, dạy tiếng Anh tăng cường, tích hợp, bồi dưỡng nâng cao…

Dạy thêm đem lại nguồn thu nhập khá cao cho giáo viên (hơn tiền lương), cho nhà trường một khoản thu thêm nên nhiều trường liên kết hoặc tổ chức dạy thêm trong trường. Đề xuất giải pháp cho tình trạng này, thầy Lực cho rằng, cần cấm dạy thêm trong nhà trường, cấp phép cho thầy cô dạy như một nghề kinh doanh có điều kiện nếu học sinh thật sự có nhu cầu học thêm.

Trao đổi với Lao Động, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) - khẳng định, tại Hà Nội, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp được các trường tổ chức theo tinh thần thoả thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh.

Phụ huynh hoàn toàn có thể lựa chọn đăng ký cho con học hoặc không, tuỳ vào điều kiện, nhu cầu của mỗi gia đình.

“Các đơn vị liên kết đã được Sở GDĐT Hà Nội cấp phép, thẩm định chương trình. Khi trường chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng GDĐT, xin ý kiến tổ chức trên tinh thần thoả thuận với các bậc phụ huynh” - bà Hằng thông tin.

Về lịch học, thời gian, theo bà Hằng, do đây là chương trình tự nguyện, nên các trường học đều phải sắp xếp lịch vào các tiết học ngoài giờ, cụ thể là cuối mỗi buổi chiều lên lớp.

“Với bậc tiểu học, tuỳ theo phân phối chương trình của Bộ GDĐT. Có những ngày chiều các em học sáng 4 tiết, chiều 2 - 3 tiết. Các trường sẽ sắp xếp các buổi học tăng cường, câu lạc bộ vào cuối mỗi buổi học. Những học sinh đăng ký tham gia, các con sẽ học, số còn lại sẽ lên thư viện đọc sách, chờ bố mẹ đến đón” - bà Hằng khẳng định.

Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu các trường học thực hiện theo đúng những gì vị trưởng phòng GDĐT này chia sẻ. Thực tế, tại các trường, những buổi học thêm, học tăng cường, học kỹ năng được xếp xen kẽ vào các giờ học chính khoá, khiến phụ huynh khó lòng không đăng ký cho con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn