MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giờ học ngoài trời của cô và trò trường mầm non xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: Hồng Sơn

Hiệu quả từ đề án phối hợp chăm sóc, giáo dục mầm non tại Nghệ An

HỒNG SƠN LDO | 17/06/2023 15:16

Việc triển khai thực hiện tốt mô hình “Phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non” tại Nghệ An giúp trẻ hình thành những yếu tố đầu tiên về nhân cách, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ.

Mô hình được ngành giáo dục Nghệ An triển khai từ năm 2020 trên cơ sở áp dụng đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Vinh do GS.TS Thái Văn Thành (nay là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An) làm chủ nhiệm đề tài.

Một buổi học tại vườn rau thực nghiệm ở trường mầm non xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: Hồng Sơn

Theo đại diện nhóm nghiên cứu, bản chất của mô hình là tạo ra sự thống nhất, hợp tác, thỏa thuận và nâng cao vai trò, trách nhiệm giữa trường mầm non, cha mẹ của trẻ và cộng đồng về phương pháp, hình thức tổ chức trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường, trong gia đình và ngoài xã hội.

Quá trình thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nghệ An đã chia mô hình theo hai giai đoạn (2020 – 2022 và 2023 – 2025) và chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ vào tình hình thực tế của trường, của địa phương để thực hiện bộ tiêu chí.

Hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ, tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình. Chủ động lồng ghép nội dung của mô hình vào sinh hoạt chuyên môn định kỳ một cách phù hợp và hiệu quả.

Tăng cường công tác tuyên truyền bằng các nội dung cụ thể như: công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng tại gia đình và cộng đồng, đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”.

Phát triển các kỹ năng xã hội cho trẻ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng cao, tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở những vùng có điều kiện.

Hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, cha mẹ trẻ kịp thời phát hiện, can thiệp sớm với trẻ khuyết tật, trẻ có nguy cơ chậm phát triển và những việc nên làm, không nên làm để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

Các trường mầm non trên địa bàn Nghệ An đều dành nhiều thời gian cho trẻ ở vườn thực nghiệm. Ảnh: Hồng Sơn

Việc áp dụng mô hình phối hợp chăm sóc, giáo dục trẻ em do Sở GDĐT Nghệ An triển khai đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Một trong số nhiều cơ sở mầm non triển khai thực hiện tốt mô hình là trường mầm non xã Nghi Yên huyện Nghi Lộc.

Từ đầu năm học trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các đoàn thể, Hội phụ huynh báo cáo chi tiết kế hoạch thực hiện các hoạt động triển khai mô hình, nguồn kinh phí hỗ trợ và sau đó tổ chức ký cam kết thực hiện.

Là xã nghèo vùng ven biển, với kinh phí hỗ trợ trên 300 triệu đồng và nhiều ngày công đóng góp, trường mầm non Nghi Yên đã có một môi trường giáo dục xanh, an toàn, thân thiện, đáp ứng được yêu cầu học tập và vui chơi của trẻ.

Theo đại diện Sở GDĐT Nghệ An, sau gần 3 năm triển khai thực hiện mô hình “phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non”, giáo dục mầm non toàn tỉnh đã có nhiều bước tiến đáng kể. Mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau giữa nhà trường, cha mẹ của trẻ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương được tăng cường.

“Mô hình đã giúp các bậc phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường, biết cách nuôi dạy con có khoa học nên số lượng trẻ đến trường ngày càng đông, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các trường mầm non của Nghệ An giảm đáng kể” – GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn