MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiệu quả từ số hoá điểm danh thông minh trong trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long

YẾN PHƯƠNG LDO | 06/11/2023 13:25

Hiện nay, một số tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt đầu áp dụng thiết bị điểm danh thông minh 4.0 trong nhà trường. Theo đánh giá ban đầu, phần mềm này có nhiều ưu điểm vượt trội, thuận lợi trong công tác quản lý cho cả thầy cô, học sinh và phụ huynh.

Khơi gợi tính chủ động, tích cực cho học sinh

Nhận thấy hình thức điểm danh truyền thống có nhiều bất cập, không chỉ tốn thời gian mà còn có nhiều sai sót trong quy trình thực hiện, một số trường học tại khu vực ĐBSCL đã thay thế dần bằng công nghệ điểm danh thông minh 4.0, giúp quản lý học sinh trong nhà trường hiệu quả hơn.

Hiện nay, toàn khu vực ĐBSCL có 3 tỉnh, thành đã bắt đầu áp dụng thiết bị điểm danh thông minh 4.0, bao gồm: An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Thiết bị điểm danh thông minh 4.0 tại một số trường học ở ĐBSCL. Ảnh: Trường Tiến

Cô Đặng Thị Kim Phượng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (tỉnh An Giang) cho hay, ban đầu nhà trường cũng gặp một số khó khăn về vấn đề kinh phí đầu tư trang thiết bị và thói quen của học sinh, đôi khi các em quên điểm danh và phải xuống thực hiện điểm danh lại. Qua một thời gian triển khai số hoá điểm danh, từng bước đã giúp nhà trường tiết kiệm thời gian và khơi gợi tính chủ động, tích cực cho học sinh.

“Thay vì phương pháp điểm danh thủ công mỗi buổi học như trước đây, lớp trưởng phải kiểm tra mặt từng học sinh và tổng hợp báo cáo lên giám thị, công nghệ số giúp học sinh thực hiện điểm danh một cách tự động, nhanh chóng hơn. Tâm lý của các em cũng trở nên thoải mái và chủ động hơn khi tiếp cận với thiết bị điểm danh mới, hiện đại”, cô Phượng nói.

Thầy Lâm Phước Lành - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) thông tin, năm học này nhà trường đã đưa vào sử dụng 3 thiết bị thực hiện công tác số hoá điểm danh đối với 1.009 học sinh của nhà trường vào đầu và cuối mỗi buổi học.

Theo đánh giá của thầy Lành, sau thời gian triển khai số hoá điểm danh, học sinh đã thể hiện sự nghiêm túc và tuân thủ nội quy về giờ giấc của trường, lớp, tạo văn hóa xếp hàng tích cực, thúc đẩy ý thức và sự chủ động của học sinh trong quá trình thực hiện quy trình điểm danh.

“Học sinh không phải bị nặng nề, trốn tránh hay đối phó trong việc điểm danh đầu buổi học mà giờ các em luôn vui vẻ và ý thức trách nhiệm, từ đó góp phần tạo ra một môi trường học tập và làm việc có kỷ luật cao trong trường học”, thầy Lành nhấn mạnh.

Quản lý giáo dục hiệu quả, phụ huynh ủng hộ

Thầy Trần Thạnh Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Hồng (tỉnh Đồng Tháp) - cho biết, sau khi học sinh điểm danh bằng thiết bị điểm danh thông minh, thông tin sẽ được thông báo đến máy chủ và hệ thống sẽ tự động trả về cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm một cách nhanh chóng.

“Nhờ việc áp dụng số hoá trong công tác điểm danh mà giáo viên chủ nhiệm không phải tốn thời gian để thống kê số học sinh vắng có phép hay không phép như trước đây, công tác quản lý học sinh của thầy cô nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn” thầy Hưng nói.

Điểm danh nhận dạng khuôn mặt nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: Trường Tiến

Thầy Lâm Phước Lành - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cho rằng, không chỉ mang lại lợi ích trong công tác quản lý của thầy cô mà việc số hoá điểm danh còn giúp phụ huynh nắm thông tin kịp thời về tình hình học sinh đến trường và khi ra về, từ đó tạo sự an tâm cho phụ huynh.

“Việc điểm danh học sinh bằng hình thức nhận dạng khuôn mặt rất có ý nghĩa đối với các phụ huynh. Đặc biệt, với những phụ huynh có con em tự đi xe đến trường, khi điểm danh thì hệ thống sẽ tự động thông tin về cho phụ huynh và phụ huynh có thể theo dõi được con mình đến nơi học an toàn. Nhờ đó, hình thức điểm danh thông mình này được phụ huynh đồng tình ủng hộ rất cao”, thầy Lành chia sẻ thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn