MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quy định về xét thăng hạng giáo viên năm 2024 trao quyền rất lớn cho hiệu trưởng các trường. Ảnh minh hoạ: An Trịnh

Hiệu trưởng có vai trò rất lớn trong việc xét thăng hạng giáo viên

TRÀ MY LDO | 17/02/2024 08:00

Theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP về tiêu chuẩn, điều xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có quyền tổ chức xét thăng hạng, điều này khiến giáo viên băn khoăn.

Vai trò của hiệu trưởng trong xét thăng hạng

Tại Điều 7 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức:

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.

Tại Điều 9 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cụ thể tiêu chí phân loại mức tự chủ tài chính của 4 nhóm đơn vị sự nghiệp công gồm:

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên;

Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Như vậy, với nhóm là đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (hiệu trưởng) thực hiện việc tổ chức, xét thăng hạng và ra quyết định bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mới nếu trúng tuyển xét thăng hạng.

Với nhóm là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập (Ủy ban nhân dân cấp huyện) thực hiện.

Cần có quy định cụ thể, chặt chẽ

Là người ủng hộ hình thức bỏ thi, chỉ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng sau khi tìm hiểu về điều kiện dự xét thăng hạng cho giáo viên, cô Phan Thị Sương - giáo viên cấp THPT tại Hà Tĩnh bày tỏ lo ngại khi người đứng đầu có quyền hạn rất lớn trong tổ chức, xét thăng hạng và đưa ra quyết định.

"Khi việc xét thăng hạng cho giáo viên được phân công, phân cấp bởi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp sẽ tạo ra mặt thuận lợi là giảm bớt áp lực, khối lượng công việc cho bộ phận cơ quan nhà nước. Ngược lại, nếu hiệu trưởng nắm giữ vai trò trong xét thăng hạng, theo tôi cần có quy định, tiêu chí cụ thể, tránh tập trung quyền lực quá lớn, tạo ra lợi ích nhóm, ảnh hưởng tới quyền lợi của các giáo viên" - cô Sương quan ngại.

Dưới góc nhìn của cô Nguyễn Thị Ngát - giáo viên cấp THCS tại Quảng Ninh, cô giáo này cho rằng, ngoài nỗi lo về vai trò của người đứng đầu khi xét thăng hạng, các giáo viên cũng khá băn khoăn về việc chia chỉ tiêu, số lượng cho từng trường khi xét thăng hạng.

"Có trường hợp giáo viên đạt điểm rất cao nhưng không được xét bởi nhà trường đã hết chỉ tiêu. Tuy nhiên, cũng có giáo viên tại trường học khác điểm thấp hơn nhưng vẫn trúng tuyển bởi số lượng dự xét ít.

Tôi hy vọng việc xét thăng hạng trong thời gian tới sẽ được điều chỉnh thích hợp để các giáo viên yên tâm. Đồng thời, về phía các trường cũng nên có những giải pháp tạo điều kiện cho các giáo viên có chuyên môn, trình độ, công tác lâu năm" - cô Ngát mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn