MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên cấp THCS, THPT sẽ không còn sử dụng sổ dự giờ. Ảnh: Vân Trang

Hiệu trưởng, hiệu phó có được phép dự giờ đột xuất?

Vân Trang LDO | 16/01/2024 08:25

Dự giờ đột xuất là hoạt động nhằm kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo viên. Hiệu trưởng có được dự giờ đột xuất hay không là câu hỏi nhiều thầy cô quan tâm.

Quy định về dự giờ đột xuất

Hiện nay, không có quy định chính thức về việc dự giờ đột xuất của giáo viên. Các văn bản hiện hành cũng không bắt buộc quy định số tiết dự giờ. Chỉ có giáo viên cấp tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ. Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục bao gồm kế hoạch bài dạy, sổ ghi chép, sổ chủ nhiệm, và sổ công tác Đội. Các văn bản hiện hành chỉ quy định về kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong các trường học, dự giờ đột xuất lại là hoạt động thường xuyên, nhằm đánh giá chất lượng công tác giảng dạy và chăm sóc giáo dục của giáo viên.

Theo đó, lãnh đạo nhà trường sẽ tham dự/kiểm tra các buổi giảng dạy của giáo viên để từ đó, đánh giá kế hoạch giảng dạy, kỹ năng giao tiếp, cách truyền đạt kiến thức của thầy cô đến học sinh; thái độ học tập của các em học sinh... để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Với trường hợp thông thường (theo kế hoạch), việc dự giờ sẽ được hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn thông báo trước cho giáo viên để chuẩn bị.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp lãnh đạo sẽ tiến hành dự giờ đột xuất. Việc dự giờ đột xuất có thể có sự tham dự của giáo viên bộ môn cùng tổ chuyên môn để việc đánh giá người dạy được khách quan, minh bạch.

Việc dự giờ theo kế hoạch hay dự giờ đột xuất phải được lãnh đạo thực hiện một cách công khai, công bằng và chính xác, tránh trường hợp đối xử bất công giữa các giáo viên lẫn nhau.

Việc dự giờ đột xuất có nhiều vai trò quan trọng như: Kiểm tra được chất lượng giảng dạy của giáo viên; tạo ra sự linh hoạt cho giáo viên; làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của giáo viên; nắm bắt được tình trạng học tập của học sinh,....

Giáo viên dự giờ sẽ quan sát, nhìn nhận được phần nào thái độ, kỹ năng cũng như kiến thức của học sinh trong buổi học. Từ đó, có thể góp ý với giáo viên, hay trao đổi với phụ huynh học sinh về một số vấn đề gặp phải.

Hiện nay, có tiết học nhà trường còn cho phép phụ huynh học sinh dự giờ. Đây là các buổi học có bố/mẹ của một số học sinh tham dự, để các bậc phụ huynh được cảm nhận, đánh giá chất lượng buổi học, đánh giá giáo viên và cả con em mình trong việc học tập.

Hiệu trưởng có được dự giờ đột xuất?

Căn cứ các văn bản pháp luật về điều lệ trường học, hiệu trưởng chính là người quản lý cán bộ, giáo viên nhà trường; là người xây dựng kế hoạch nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên; tiến hành đánh giá giáo viên...

Pháp luật hiện chưa quy định cụ thể về việc hiệu trưởng có được dự giờ đột xuất hay không, nhưng căn cứ vào quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng nêu trên và thực tế thực hiện việc dự giờ tại các trường học, có khẳng định: Hiệu trưởng được dự giờ đột xuất.

Việc dự giờ đột xuất của hiệu trưởng đối với các giáo viên chính là hoạt động đánh giá, kiểm tra giáo viên thuộc quản lý của nhà trường, nằm trong phạm vi chức năng, quyền hạn của hiệu trưởng nhà trường.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhà giáo, một giáo viên bậc THCS ở tỉnh Khánh Hoà cho rằng, việc dự giờ thực tế không có quá nhiều tác dụng. Ngược lại, việc dự giờ không cần thiết chỉ là diễn tạo áp lực với giáo viên và học sinh.

"Ban giám hiệu chỉ nên dự giờ giáo viên mới chuyển đến trường nhận công tác để nắm tình hình giảng dạy giúp đỡ" - giáo viên này nêu kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn