MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM). Ảnh: Chân Phúc

Hiệu trưởng lý giải việc chấm điểm dựa vào lượt like, share trên Facebook

Chân Phúc LDO | 30/10/2023 14:39

Việc Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) chấm điểm dựa vào lượt like (thích), share (chia sẻ) trên mạng xã hội Facebook, Zalo đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Hiệu trưởng trường này đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) tổ chức cho học sinh khối 10 đi xem vở kịch "Yêu là thoát tội" ở nhà hát. Sau khi xem kịch xong, các học sinh sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm từ 8 đến 10 em.

Bài tập này được chấm điểm theo thang 10 điểm. Trong đó, nội dung cảm nhận vở kịch (3 điểm); thiết kế đẹp (3 điểm); đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 like (2 điểm) và số lượt share trên trang cá nhân đạt từ 50 lượt trở lên (2 điểm).

Thông tin này đã xảy ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số phụ huynh cho rằng, việc chấm điểm dựa vào lượt like, share trên mạng xã hội là không phù hợp và không công bằng.

Theo phụ huynh, việc chấm điểm bằng hình thức này sẽ khiến học sinh chạy theo việc like, share trên mạng xã hội khi nhờ bạn bè, người thân vào like như vậy thì thành tích không chính xác.

Mặt khác, phụ huynh nói việc chấm điểm dựa vào lượt like, share cũng sẽ không công bằng vì không phải học sinh nào cũng sử dụng mạng xã hội tốt.

Trao đổi với Lao Động, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân xác nhận có thông tin trên.

Ông Phú cho biết, việc tổ chức cho học sinh đi xem kịch, cải lương, phim... đã được trường triển khai suốt 7 năm qua và mang lại những dấu hiệu tích cực. Nhà trường chỉ khuyến khích học sinh, các em đi xem trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Giá vé là 65.000 đồng/học sinh, mức thấp hơn nhiều so với mua vé tại rạp.

"Trường hợp học sinh không tham gia xem kịch có thể thay thế điểm cộng bằng việc phát biểu lấy điểm trên lớp", ông Phú nhấn mạnh.

Về vở kịch "Yêu là thoát tội", Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, bản thân ông và các thầy cô trong trường đã đi xem vở kịch này, đánh giá đây là một vở kịch hay, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi học sinh nên tổ chức đi xem.

Nói thêm về việc chấm điểm sau khi đi xem kịch, ông Phú cho biết, khi thực hiện cho học sinh trải nghiệm ngoài nhà trường, mà nguồn kinh phí của phụ huynh thì tuyệt đối không chấm điểm.

"Ở đây, nhà trường chỉ có chấm điểm cộng, tức nếu các em đạt được yêu cầu về like, share thì được cộng điểm (2 điểm) ở thang điểm 10, và điểm cộng này các em cũng có thể nhận được qua hình thức kiểm tra miệng trên lớp. Do đó, việc này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. Và nói việc chấm điểm dựa hoàn toàn vào lượt like, share trên mạng xã hội là không đúng", ông Phú giải thích.

Bên cạnh đó, thầy hiệu trưởng cho rằng, việc này còn mang tính giáo dục, hướng dẫn học sinh, tuổi trẻ học đường sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hợp pháp.

"Việc chia sẻ thông tin trên nền tảng mảng xã hội hiện nay em nào cũng biết làm nhưng không phải học sinh nào cũng nhận thức được thông tin nào nên tiếp thu, nên chia sẻ; thông tin nào tiêu cực cần tránh xa. Đây là một hoạt động trải nghiệm, qua đây sẽ giúp các em học sinh phát triển phẩm chất năng lực toàn diện của học sinh như: kỹ năng làm việc nhóm, cảm thụ văn học, cách sử dụng hình ảnh, âm thanh, công nghệ thông tin...", ông Phú nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn