MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đề tài, dự án dự thi khoa học kỹ thuật của học sinh bị dư luận nghi ngờ về tính thực chất. Ảnh minh họa: Hải Đăng

Hiệu trưởng mong cấp trên không giao chỉ tiêu thi khoa học kỹ thuật

QUANG ĐẠI LDO | 19/09/2023 12:26

Nhận rõ sự không thực chất của cuộc thi khoa học kỹ thuật, nhưng hiệu trưởng các trường vẫn phải triển khai hàng năm do bị cấp trên giao chỉ tiêu.

Ngày 19.9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành (tên nhân vật đã được thay đổi) - hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết bản thân ông rất không đồng tình với cuộc thi khoa học kỹ thuật và Sáng tạo Thanh thiếu niên và nhi đồng đang triển khai tại các trường phổ thông.

“Là những người trong cuộc, chúng tôi nhận rõ cuộc thi không thực chất. Sản phẩm dự thi mặc dù danh nghĩa là do học sinh làm, nhưng thực tế là của giáo viên, người lớn thực hiện. Giáo viên và người lớn cũng phải đi xin, mua, cóp nhặt, sản phẩm trùng lặp, không có ứng dụng thực tiễn. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, nhưng không ai dám lên tiếng” – vị hiệu trưởng chia sẻ.

Theo thầy hiệu trưởng, có những trường hợp học sinh lớp 1, còn quá non ớt, nhưng đã lên bục nhận giải về sáng kiến cảnh báo cháy, là điều hoàn toàn không có trong thực tế. Trước hiện tượng đó, là nhà giáo, ông cảm thấy buồn và xấu hổ, vì làm thế là góp phần làm hư hỏng học sinh.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của vị hiệu trưởng này, do cấp trên giao chỉ tiêu là mỗi trường phải có bao nhiêu sản phẩm dự thi hàng năm, nếu không có sẽ bị trừ điểm thi đua, bị nhắc nhở, phê bình...nên hầu như trường nào cũng phải tham gia. Do đó, tình trạng giả dối, đối phó trong cuộc thi cứ tái diễn.

“Tôi mong cấp trên khi triển khai cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh không giao chỉ tiêu, không gây áp lực, không phê bình đối với các đơn vị không tham gia, để bảo đảm tính tự nguyện hoàn toàn, khuyến khích các em có tài năng, năng khiếu và khen thưởng lớn cho các sản phẩm, dự án thực chất, có thể ứng dụng. Có như thế mới trả lại sự trung thực, lành mạnh cho cuộc thi” – vị hiệu trưởng tha thiết đề nghị.

Trong nội dung trao đổi với phóng viên, vị hiệu trưởng cũng cho biết về tình trạng lạm thu hoàn toàn có thể chấn chỉnh, nếu hiệu trưởng không vụ lợi.

"Trường tôi nhiều năm qua không sử dụng sổ liên lạc điện tử, vì hoàn toàn không cần thiết (đã có nhóm Zalo). Liên lạc qua nhóm Zalo tiện lợi, nhanh chóng, miễn phí, có thể gửi video, hình ảnh tức thời, tương tác trực tiếp. Trong khi Sổ liên lạc điện tử thu 60 nghìn đồng/năm, chỉ gửi được vài tin nhắn khong còn giá trị thông tin, là hình thức liên lạc đã lạc hậu”- thầy hiệu trưởng cho hay.

Được biết, ban đầu, đơn vị cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử liên tục đeo bám, mời chào hiệu trưởng những khoản hoa hồng, phần trăm hấp dẫn, tuy nhiên đều bị từ chối.

“Nhiều người còn nghèo, tôi không thể vì vài triệu hoa hồng mà làm khổ thêm phụ huynh”- - thầy Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Cũng tại trường này, ban giám hiệu không hề ép buộc, giao chỉ tiêu cho khoản thu Bảo hiểm thân thể. Bởi vì theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thành, đây là dịch vụ tự nguyện, trường chỉ giới thiệu chứ không bao giờ ép buộc hay giao chỉ tiêu cho chủ nhiệm, các lớp. Tất cả tùy phụ huynh.

Thời gian qua, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về những bất cập, có dấu hiệu tiêu cực, thiếu thực chất của cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, nhận được sự hưởng ứng tích cực của dư luận. Đã có nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ hoặc siết chặt cuộc thi nhằm đảm bảo tính trung thực, thực chất.

Báo Lao Động cũng có loạt bài phản ánh tình trạng lạm thu vào đầu năm học, tình trạng các đơn vị tư nhân liên kết với các nhà trường tổ chức các dịch vụ giáo dục để kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn