MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hiệu trưởng ở Hà Nội chỉ trả lời một nửa vấn đề về dạy liên kết

Nhóm PV LDO | 07/10/2023 18:41

Các trường công lập đua nhau thoả thuận với các đơn vị tư nhân, triển khai dạy liên kết. Phụ huynh than phiền việc đăng kí học theo tinh thần “buộc phải tự nguyện”.

Đủ loại chương trình dạy liên kết

Sự việc này đã diễn ra trong nhiều năm nay, ở nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội), từ lớp 1, nhà trường đã triển khai chương trình giảng dạy tiếng Anh liên kết Language Link (phối hợp với tổ chức giáo dục Language Link).

Theo phản ánh của phụ huynh, nhà trường sắp sẵn, ấn định các lớp học theo chương trình liên kết, nếu phụ huynh không đăng kí cho con học, chỉ còn cách chuyển đi lớp khác.

Tiết học Tiếng Anh - Khoa học (chương trình học liên kết) được trường học ngang nhiên xếp xen vào các tiết học chính khoá. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

Song song với đó, nhà trường còn tổ chức chương trình làm quen tiếng Anh, tiếng Anh thông qua ngôn ngữ Toán - Khoa học đối với học sinh lớp 1, 2. Một tuần 4 tiết, mức giá hơn 460.000 đồng/học sinh/tháng và 4.140.000 đồng/học sinh/năm học (9 tháng).

“Phụ huynh chúng tôi phản đối vì đã phải đóng tiền học buổi 2 (buổi chiều hằng ngày), trong khi trường vẫn đưa lồng ghép chương trình bên ngoài vào để dạy. Việc này không khác gì “phí chồng phí” - phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô bức xúc nói.

Điều đáng nói, phụ huynh cho rằng, những chương trình liên kết này không hiệu quả, họ vẫn phải đăng kí cho con học thêm bên ngoài.

Hiệu trưởng lên tiếng

Trao đổi với Lao Động về việc dạy liên kết, bà Nguyễn Minh Uyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô - phủ nhận những phản ánh của phụ huynh học sinh.

Bà Uyên khẳng định, các kế hoạch giáo dục của nhà trường đều được xây dựng dựa theo các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Một số kế hoạch đều được thông qua trong các cuộc họp: Họp ban giám hiệu, họp hội đồng sư phạm, họp ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện cha mẹ học sinh các lớp và cuối cùng là cuộc họp cha mẹ học sinh toàn trường.

Trường Tiểu học Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Phóng viên

“Trong tất cả những cuộc họp đó, nhà trường đều nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Đồng thời, chương trình học liên kết đều được công khai, thông báo tới 100% phụ huynh trước khi sắp xếp lớp học. Phụ huynh đăng ký trên tinh thần tự nguyện, có biên bản thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường” - bà Uyên cho hay.

Các hoạt động dạy liên kết được Trường Tiểu học Nghĩa Đô kí kết hợp đồng với các đơn vị tư nhân bên ngoài và họ sẽ đưa giáo viên vào giảng dạy theo thoả thuận. Thế nhưng, khi được hỏi về quy trình lựa chọn đơn vị liên kết, kiểm soát chất lượng, có hay không khoản tiền hoa hồng trung tâm gửi lại nhà trường… bà Uyên từ chối trả lời.

Chương trình dạy liên kết giữa tổ chức giáo dục Language Link và Trường tiểu học Nghĩa Đô. Ảnh: Phụ huynh cung cấp

“Chất lượng chương trình liên kết sẽ được đánh giá theo đầu ra. Cụ thể, lúc bắt đầu vào đến lúc ra là năm lớp 5. Hàng năm, nhà trường vẫn có kiểm tra và có kết quả. Dựa trên kết quả kiểm tra, nhà trường thấy phụ huynh rất hài lòng với chương trình học” - bà Uyên nói.

Về phản ánh liên quan đến chương trình giảng dạy tiếng Anh liên kết Language Link, bà Uyên cho hay, dựa trên nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh.

“Nhà trường biên chế các lớp này học sinh sẽ học với nhau từ lớp 1 đến lớp 5 để thông suốt trong quá trình học” - bà Uyên giải thích và khẳng định, nhà trường chưa nhận được phản hồi nào của phụ huynh xin là không học. Việc sắp xếp giờ học được nhà trường thực hiện linh hoạt, để cân đối giữa lượng kiến thức cũng như đảm bảo tâm sinh lí lứa tuổi.

“Nếu như phụ huynh có nhu cầu chuyển lớp hoặc chuyển trường thì nhà trường tạo điều kiện. Do vậy, không có chuyện nếu học sinh không học sẽ bị chuyển lớp” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô khẳng định.

Đối với vấn đề sắp xếp giờ học như thế nào để không ảnh hưởng đến giờ học chính khóa của học sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Đô cho hay, chương trình học chính khóa hay tăng cường, học sinh đều được học dưới sự quản lý chung của nhà trường. Do vậy, sự sắp xếp các môn học, hoạt động giáo dục, nhà trường vẫn luôn phải linh hoạt, làm sao để cân đối giữa lượng kiến thức giữa giờ học này với giờ học khác để đảm bảo tâm sinh lý lứa tuổi.

Tại Hội nghị đầu năm học 2023-2024 vừa diễn ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không chèn giờ dạy liên kết vào chính khoá nếu lớp đó không đủ 100% học sinh tự nguyện tham gia.

Chỉ khi đã thực hiện đầy đủ theo chương trình, đủ định mức của giáo viên, còn thời gian trống, các trường mới tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Huyện Thanh Trì, Sóc Sơn đã có văn bản yêu cầu các trường trên địa bàn tạm dừng dạy liên kết, dạy các hoạt động trải nghiệm để rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các chương trình, tránh gây phiền hà, tốn kém cho phụ huynh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn