MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: GĐ&TĐ

Hiệu trưởng quyết định sự thành bại của đổi mới

Huyên Nguyễn LDO | 18/05/2017 18:28
GS Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình.
Ngày 18.5, tại Hội thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và yêu cầu đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý với góc nhìn đa chiều đã có những ý kiến chia sẻ, góp ý thẳng thắn về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cũng như yêu cầu đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những ý kiến cần trao đổi liên quan đến yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực, số môn học, thời lượng giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình mới...

Bày tỏ quan điểm, GS Nguyễn Đức Chính (Học viện quản lý giáo dục) cho biết, việc chuyển nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực là một chủ trương đúng đắn. GS Nguyễn Đức Chính cho rằng, để thực hiện chủ trương này cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.

Ông Chính cũng nhấn mạnh, trong công cuộc cách mạng này, vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình.

Chung quan điểm trên, theo TS Nguyễn Liên Châu (Học viện Quản lý giáo dục), đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cần được học tập lý luận nội dung đổi mới. Việc mở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông hiện nay cần tổ chức lớp theo vị trí việc làm và chức danh quản lý.

Khuyến nghị về việc bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần thiết kế lại chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông theo hướng tiếp cận mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để có nội dung phù hợp giúp người cán bộ quản lý có kiến thức, kỹ năng cần thiết khi quản lý nhà trường.

Cũng theo TS Thanh, nội dung chương trình cần lưu ý những nội dung hướng dẫn cách phân cấp, phân quyền trong nhà trường để mỗi tổ chức trong nhà trường như tổ chuyên môn hoặc cá nhân mỗi giáo viên được tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Về phương thức quản lý cũng nên chuyển từ việc quản lý giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện sang quản lý kết quả để nâng cao tính chủ động cho đội ngũ…

Cần thiết kế các Case study theo các nội dung chương trình bồi dưỡng, tăng cường thời lượng của chương trình bồi dưỡng cho hoạt động thăm quan, học tập các cơ sở giáo dục tiên tiến, điển hình… cũng là một số đề xuất của TS Nguyễn Thị Thanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn