MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường học tổ chức dạy thêm, dạy liên kết. Ảnh: Trang Hà

Hiệu trưởng tiết lộ lý do buộc phải chọn giải pháp dạy liên kết, dạy thêm

Võ Ngân Kỳ LDO | 30/09/2023 12:54

Không ít ý kiến cho rằng, việc nhà trường tổ chức dạy thêm, dạy liên kết nhằm mục đích trục lợi. Là người trong cuộc, một vị hiệu trưởng tại Nghệ An đã gửi đến Báo Lao Động lời giãi bày về những lý do trường học buộc phải lựa chọn giải pháp liên kết với các trung tâm để dạy tăng cường.

Khó khăn khi triển khai dạy 2 buổi/ngày

Thực hiện chủ trương dạy 2 buổi/ngày, đồng thời đáp ứng nhu cầu của một bộ phận lớn học sinh và phụ huynh, các nhà trường đã thực hiện giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo Thông tư 04 và Nghị định 24.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một bộ phận phụ huynh và dư luận xã hội cho rằng: Nhà trường tổ chức dạy học tăng cường theo hình thức liên kết nhằm mục đích trục lợi cá nhân, cố tình sắp xếp thời khóa biểu vào chương trình dạy học chính khóa để ép buộc phụ huynh cho con tham gia học.

Những bức xúc của phụ huynh và dư luận xã hội ít nhiều có cơ sở. Tuy nhiên, cần đánh giá và nhìn nhận thực trạng này một cách khách quan.

Hiện nay, thiếu giáo viên là khó khăn chung của nhiều trường học trên cả nước. Có những trường, vì quá thiếu giáo viên, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng kiêm luôn cả công tác chủ nhiệm, dạy học như giáo viên khác,...

Việc xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo yêu cầu học 2 buổi/ngày, 32 tiết/tuần và bán trú đáp ứng nhu cầu phần lớn của học sinh, phụ huynh là bài toán khó của các nhà trường.

Nếu chia bình quân tổng số tiết học chính khóa cả năm ở mỗi khối lớp cho 35 tuần thực học thì khối 1 và 2 là 25 tiết/tuần; khối 3 là 28 tiết/tuần; khối 4 và 5 là 30 tiết/tuần. Cấp tiểu học dạy học từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tiết 35 phút.

Như vậy, nếu chỉ dạy đủ theo chương trình, rất khó tổ chức bán trú, đặc biệt là với khối 1, 2 vì số ngày học 2 buổi/tuần rất ít. Nếu trường tự tổ chức dạy học tăng cường nhằm phát triển năng lực cho học sinh theo môn học sẽ vi phạm Quy định cấm dạy thêm học thêm ở tiểu học, nếu thực hiện phải có hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên.

Còn nếu chỉ tổ chức dạy học đủ chương trình chính khóa thì sẽ rất bất tiện cho phụ huynh và học sinh, khi có những buổi, học sinh chỉ học 1 đến 2 tiết rồi về... Đa số các trường không đủ người để quản lý học sinh khi ở lại trường, cũng không đủ cơ sở vật chất cho học sinh ở lại chờ bố mẹ hết giờ lao động đến đón. Hơn nữa lứa tuổi học sinh tiểu học rất hiếu động không phải em nào cũng thích đọc sách hay viết, vẽ,... Chính vậy nên nhiều trường buộc phải chọn giải pháp liên kết với các trung tâm dạy học tăng cường.

Giải pháp nào cho dạy thêm, dạy liên kết?

Bức xúc của phụ huynh một phần là do nguyên nhân khách quan như đã trình bày ở trên, tuy nhiên còn do nguyên nhân chủ quan: Một số cán bộ quản lý chưa nghiên cứu đầy đủ nội dung chương trình tăng cường, chưa đánh giá được rõ ràng hiệu quả của các dịch vụ giáo dục; chưa giải thích cho phụ huynh thấu hiểu tính đúng về giá trị của những nội dung nhà trường đưa vào dạy học tăng cường; chưa đứng về phía phụ huynh để đòi hỏi bên cung cấp dịch vụ đảm bảo quyền lợi của học sinh;

Cá biệt, có một số quản lý vì ngại va chạm hoặc vì lợi ích cá nhân mà không kiên quyết từ chối những dịch vụ kém chất lượng,...

Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi cho rằng, các cơ quan cấp trên cần cấp đủ kinh phí cho cơ sở giáo dục chưa đủ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục đúng quy định. Đồng thời, lắng nghe tích cực các ý kiến từ cơ sở, ban hành văn bản hướng dẫn để các nhà trường chủ động tổ chức dạy học tăng cường đúng quy định, phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh.

Quản lí các nhà trường cần mạnh dạn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi sử dụng các dịch vụ giáo dục liên kết để đưa vào nhà trường. Các dịch vụ giáo dục mặc dù đảm bảo các điều kiện quy định và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép có thể phổ biến rộng rãi nhưng không phải hoàn toàn phù hợp với điều kiện tổ chức của tất cả các nhà trường.

Đổi mới sâu sắc về cách thức, nội dung cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm với mục tiêu: Gần gũi - Thấu hiểu - Chia sẻ - Cùng thực hiện. Tất cả các nội dung đưa ra bàn bạc với phụ huynh cần có đáp án trả lời cho các câu hỏi: Việc gì? Tại sao? Được gì? Như thế nào? Ai làm?

Nếu thực hiện đồng bộ những việc nêu trên thì các nhà trường nói riêng, ngành giáo dục nói chung sẽ có nguồn lực vô cùng to lớn đó là "sự đồng thuận".

Với góc nhìn của người làm công tác quản lý trường học trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi ghi nhận những nội dung, những tồn tại mà phụ huynh đã phản ánh, từ đó khắc phục hạn chế, yếu kém, từng bước tháo gỡ khó khăn, giải quyết những băn khoăn, những mong muốn chính đáng của học sinh và phụ huynh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn