MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Hoàng Ngọc Vinh. Ảnh: TL

Hồ sơ ứng viên GS, PGS không đạt chuẩn: Chưa “chuẩn xác” hay gian lận hồ sơ?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 04/04/2018 15:22
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng: Nhiều lí do được đưa ra lí giải cho việc hồ sơ 41 ứng viên GS, PGS năm 2017 bị rà soát là không đạt chuẩn như minh chứng không xác thực, hồ sơ chưa chuẩn xác..., xét sâu xa ở đây có là hành vi gian lận hồ sơ, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức trong làm nghiên cứu khoa học.

Thưa TS Hoàng Ngọc Vinh, ông đánh giá như thế nào về kết quả 41/94 hồ sơ ứng viên GS, PGS năm 2017 bị rà soát lại có kết quả không đạt chuẩn?

- Theo tôi, việc Thanh tra Bộ GDĐT công bố kết quả rà soát 94 ứng viên có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện có đến 41 người không đạt chuẩn thì quả thật là vấn đề đáng bàn. Kết quả này khiến công chúng nghi ngờ độ tin cậy về chất lượng đánh giá của các hội đồng.

Trong số 41 ứng viên không được công nhận, chỉ có một số ít những người tự rút trước, còn đa phần là không đủ điều kiện. Từ khi công bố 94 người bị rà soát, công luận đã đặt vấn đề tại sao lại là con số 94? Số 94 người để lại rà soát lần 2 này là do phát hiện ngẫu nhiên hay do có kiện cáo, đơn từ? Theo tôi khả năng do có đơn từ, kiện cáo là cao hơn. Vì thế, có những trường hợp đã được công nhận do không có đơn từ khiếu kiện thì sao? Liệu rằng có đảm bảo về tính chính xác của hơn 1.000 hồ sơ đã được thông qua hay không?

Ở một góc độ khác, các ứng viên bị loại hầu hết do hồ sơ chưa chuẩn xác hay không xác thực, thậm chí một số không có hợp đồng hoặc không có thanh lí hợp đồng, có trường hợp dựng lại hợp đồng giảng dạy từ những năm trước. Việc này thực chất là gian lận hồ sơ, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, đặc biệt là đạo đức trong làm nghiên cứu khoa học, là không thể chấp nhận được.

Trước kết quả rà soát như vậy, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai và cần xử lý như thế nào?

- Tôi cho rằng trách nhiệm lớn nhất là của các cơ sở đào tạo xác nhận kê khai, công nhận thành tích không chuẩn xác. Hội đồng cơ sở lại tin vào những giấy tờ xác nhận này một cách hết sức quan liêu, chỉ căn cứ vào những con dấu đỏ, chữ ký. Đó là còn chưa bàn về chất lượng của các công trình khoa học như đạo văn khi những người tham gia vào các hội đồng cơ sở vốn ở nhiều ngành khác nhau, lại chấm cho một người ở ngành khác thì rất khó.

Hệ lụy của hành vi gian lận trong xác nhận giờ giảng hoặc công trình của những người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH rất có thể tạo ra những thế hệ sau thiếu trung thực. Một GS rởm sẽ đào tạo ra TS rởm và những người này tiếp tục sẽ đào tạo ra sinh viên rởm. Vì thế, phải xử lý nghiêm túc, công khai, minh bạch. Vì đó là những hành vi làm suy giảm lòng tin về giáo dục, nếu còn thiếu trung thực thì chưa biết bao giờ giáo dục mới có thể cất cánh được?

Về hình thức xử phạt, nếu làm sai, các ứng viên phải chịu kỉ luật vì đã làm tốn kém tiền của xã hội trong công tác thanh tra, kiểm tra và làm mất uy tín của ngành. Các cơ quan có ứng viên làm sai cần phải thành lập hội đồng kỉ luật cả về hành chính và xử lý về mặt Đảng trong vấn đề khai báo chưa trung thực trong hồ sơ. Đối với những người có chức danh, lãnh đạo cố ý xác nhận thiếu trung thực... thì phải hạ bậc, không tiếp tục cho làm hồ sơ công nhận GS hay PGS vì dối trá trong khoa học và giáo dục là việc gây ra hệ lụy khôn lường.

Có những người đưa ra lí do không minh chứng được giờ dạy là vì có dạy thực nhưng sơ suất không lưu lại hồ sơ. Ông có ý kiến thế nào trước lí do này?

- Đây chỉ là những lí do né tránh, mang nặng biện minh. Việc có dạy hay không dạy có thể xác minh qua lịch công tác tuần, tài liệu bài giảng, phỏng vấn sinh viên, kiểm tra hồ sơ ghi chép, sổ đầu bài, lịch giảng đường... Những thứ đó còn sờ sờ ra chứ không thất lạc được.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn