MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam.

Hỗ trợ du học sinh Việt Nam "du học trong nước" để giữ chân ngoại tệ

Đặng Chung - Tuấn Anh LDO | 21/07/2020 13:01

Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết sẽ học ở đâu, tiếp tục việc học như thế nào khi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là trách nhiệm và cũng là cơ hội để các trường đại học trong nước nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Thực hiện được việc này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho các gia đình, mà còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam.

Liên kết đào tạo quốc tế là xu hướng tất yếu

Ngày 21.7, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Hội nghị nhằm tìm giải pháp để sẵn sàng đón các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh nước ngoài tập tại Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để tìm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các chương trình đào tạo và môi trường học tập quốc tế để học sinh Việt Nam có thể “du học tại chỗ”.

  Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, mô hình liên kết đào tạo giữa các nước hiện nay rất phong phú, đây là xu hướng tốt để hình thành nên những công dân toàn cầu. Đây cũng đang là xu hướng, nhu cầu tất yếu, vì người học có nguyện vọng và có quyền được tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Đặc biệt, trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, phương thức liên kết đào tạo quốc tế càng phát huy hiệu quả. Hiện nhiều trường chuyển sang dạy online, kết hợp phương thức đào tạo truyền thống.

Bộ trưởng cho rằng, các trường đại học là nơi cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và dự báo được việc này. Hiện ở các nước phát triển trong đó có Việt Nam, liên kết đào tạo không chỉ là gửi học sinh sang các nước có điều kiện tốt hơn, hoặc tiếp nhận chương trình đào tạo từ nước ngoài vào mà còn xuất hiện mô hình đào tạo với sự tham gia rất nhiều khâu, từ thiết kế chương trình, tổ chức giảng dạy nghiên cứu, trao đổi học thuật, giáo viên, học sinh, sinh viên rất đa dạng. Các chương trình liên kết được kiểm định chất lượng, đạt chuẩn đầu ra, còn các tín chỉ được trao đổi.

Hình thức đào tạo liên kết này không chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học trong việc trao đổi kiến thức, phông văn hóa mà còn đáp ứng nhu cầu của thầy cô giáo, là cơ hội tốt để hình thành các nhóm nghiên cứu trong trường đại học.

Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình quốc tế để giữ chân ngoại tệ

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục nguồn nhân lực, coi đây là một trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước. 

Từ đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp căn cơ, đi từ nền tảng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, chú trọng hội nhập để phát triển bền vững. Hiện nay, có 5 trường đại học quốc tế đã tới Việt Nam và tới đây sẽ còn nữa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc thúc đẩy chương trình giáo dục quốc tế là cơ hội để “ngoại giao thông qua giáo dục”, thực hiện mục tiêu “tất cả chúng ta làm bạn của nhau”. Ngoài ra, hiện nay ở các cường quốc lớn, lĩnh vực giáo dục góp phần tăng trưởng GDP rất lớn.

Việt Nam đang có thuận lợi là kiểm soát tốt được dịch bệnh, chúng ta có thể cùng các nước có nền giáo dục phát triển liên kết, trước tiên là cung cấp dịch vụ giáo dục tốt cho người học trong nước, sau đó có thể góp phần tăng trưởng GDP.

“Trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết như thế nào trong giai đoạn đại dịch, nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu, thì sứ mạng của các trường đại học là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt...

Đây còn là cách để giữ nguồn chi phí dành cho du học ở lại Việt Nam. Đây không chỉ là giải pháp về học thuật, kinh tế, mà còn đặc biệt nhân văn trong giai đoạn hiện nay và cũng là chính sách đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ GDĐT đã  cho rà soát các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và cho dừng lại gần 200 chương trình liên kết. Một mặt thúc đẩy, tạo cơ chế về mặt chính sách để thúc đẩy liên kết đào tạo quốc tế, nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh thông điệp: Chỉ thúc đẩy các chương trình liên lết quốc tế thực sự chất lượng và sẽ đặt chất lượng lên hàng đầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn