MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy cô giáo và các em học sinh Trường Tiểu học Ninh Sơn (Ninh Bình) diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Ninhbinh.gov

Học hết tiểu học, học sinh phải có kỹ năng thoát nạn nếu xảy ra cháy

Bích Hà LDO | 02/10/2021 15:23

Dự thảo thông tư về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định chi tiết về chuẩn đầu ra của từng cấp học nhằm trang bị kỹ năng sinh tồn cho học sinh.

Nhằm trang bị kỹ năng sinh tồn cho thế hệ trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo, những kiến thức kỹ năng cần đạt được về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được xây dựng dựa trên năng lực nhận thức và năng lực hành vi của mỗi đối tượng. 

Theo đó, trẻ em mầm non được trang bị kiến thức nhận biết về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số vật dụng có thể gây cháy, nổ; biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây cháy, nổ; nhận biết các tín hiệu, phương tiện báo động cháy và có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy.

Học sinh tiểu học sẽ được trang bị kiến thức nhận biết các dấu hiệu của đám cháy, nguy cơ gây tai nạn; nhận biết các tín hiệu báo động cháy và có kỹ năng báo động khi xảy ra cháy; biết kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, cách chọn lối thoát, cách sử dụng thiết bị bảo vệ cơ quan hô hấp, bảo vệ cơ thể khi xảy ra cháy, nổ.

Các em cũng được học sử dụng và thực hành dập tắt đám cháy với thiết bị chữa cháy mô hình, thực hành kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc; biết cách phòng tránh, sơ cấp cứu các tai nạn, sự cố thường gặp.

Học sinh trung học cơ sở sẽ nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp phòng cháy chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường; biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. Đồng thời, sử dụng và thực hành thành thạo các kỹ năng  phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với thiết bị mô hình.

Học sinh THPT sẽ được trang bị kiến thức để nhận biết được một số biện pháp, nguyên tắc để kiểm soát an toàn khi chữa cháy; một số kỹ năng thoát nạn từ các phương tiện giao thông, trong thang máy, thang cuốn khi có các sự cố cháy nổ.

Các em cũng được trang bị một số kỹ năng cơ bản để tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và các sự cố, tai nạn; biết sử dụng bình chữa cháy xách tay và thiết bị chữa cháy thông thường; sử dụng được một số phương tiện chữa cháy ban đầu với các nguồn cháy khác nhau.

Đối với sinh viên, ngoài các kỹ năng trên, thì phải sử dụng được các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản và các thiết bị có tại gia đình, nhà trường và các khu vực công cộng.

Ngoài yêu cầu về kiến thức, học sinh, sinh viên còn được trang bị các nội dung diễn tập về phòng cháy chữa cháy, diễn tập sử dụng các phương tiện chữa cháy, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn bằng thiết bị thực tế hoặc mô hình; diễn tập các phương án di chuyển khi xảy ra các sự cố cháy, nổ.

Thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy, chữa cháy cho trẻ em mầm non bảo đảm tối thiểu 1 buổi/năm học. Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên bảo đảm tối thiểu 2 buổi/năm học. Đối với sinh viên bảo đảm tối thiểu 3 buổi/năm học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn