MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện Bộ GDĐT, các trường đại học giải đáp các băn khoăn của thí sinh về vấn đề tuyển sinh, chọn ngành, chọn trường.

Học Khí tượng, ra trường có làm việc giống anh Thành "Lặng lẽ Sa Pa" không?

Đặng Chung LDO | 23/07/2019 18:07
Rất nhiều câu hỏi, cách đặt vấn đề của thí sinh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2019 (diễn ra ngày 21.7) đã khiến các chuyên gia tư vấn bất ngờ.

 Học ngành khí tượng làm việc ở đâu?

“Em được 19,5 điểm. Em quan tâm đến ngành khí tượng, nhưng không biết nên học trường nào, học xong cơ hội công việc ra sao, em lại là con gái? Công việc có giống của anh Thành trong Lặng lẽ Sa Pa không?” – một thí sinh đặt câu hỏi với các chuyên gia trong sự kiện Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2019.

Đáp lại băn khoăn này, TS Nguyễn Thanh Bình (Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hóm hỉnh: “Cách đặt câu hỏi cho thấy em đã nghiên cứu rất kỹ nhân vật anh Thành và công việc của anh trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”. Em được 19,5 điểm, có thể đăng ký vào ngành Khí tượng. Ở miền Bắc hiện có hai trường đào tạo ngành này là Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Tài nguyên Môi trường”.

Về cơ hội việc làm, TS Bình dẫn chứng, với ngành khí tượng, thí sinh không cần phải lo lắng về cơ hội việc làm. Nếu là con gái, không muốn làm công việc đo đạc trong các trạm khí tượng như của anh Thành trong "Lặng lẽ Sa Pa", thì có thể làm các cô dự báo viên.

Ngay ở Hà Nội (khu vực đường Láng) cũng có những trạm dự báo. Hoặc sinh viên ngành Khí tượng có thể làm việc ở Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo Thiên tai  của Đài Truyền hình Việt Nam. Nếu thích làm trong ngành hàng không, có thể đăng ký học khí tượng. Hiện nay công việc quan sát về thời tiết, khí hậu để đưa ra cảnh báo cho các chuyến bay an toàn là công việc mà nhiều sinh viên tốt nghiệp của ngành khí tượng đang làm.

Phân tích thêm cho thí sinh, PGS-TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội  gọi đây là nghề “bắt mạch cho trời”. “Lần đầu tiên tôi thấy một thí sinh quan tâm sâu sắc đến ngành khí tượng như vậy. Năm 2018, điểm chuẩn của ngành này dao động ở mức 15-16, năm nay điểm thi của bạn là 19,5 thì xác suất đỗ rất cao”- TS Thảo nói.

Không chỉ thí sinh và cả phụ huynh cũng tham gia Tư vấn tuyển sinh để giúp con lựa chọn ngành học phù hợp. 

Nên học Ngoại thương hay Kinh tế quốc dân?

Cũng tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, không ít thí sinh đưa ra các câu hỏi so sánh về độ hot của các trường. Một thí sinh hỏi: "Em nên học trường Ngoại thương hay Kinh tế quốc dân, trường nào hơn?".

"Thật khó có thể trả lời "Ai hơn Ai?" vì chắc chắn cô xinh gái hơn thầy Triệu ở trường Kinh tế quốc dân, còn thầy Triệu sẽ đẹp trai hơn cô. Có nghĩa mỗi trường sẽ có "vẻ đẹp" riêng. Điều quan trọng là các em thích "vẻ đẹp" nào"- TS Phạm Thu Hương - Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương chia sẻ.

Thực tế cho thấy, rất nhiều thí sinh chọn trường rồi mới chọn ngành học. Các em có xu hướng chọn trường danh tiếng, sau đó chọn những ngành học có điểm xét tuyển thấp nhất để tăng khả năng đỗ đại học, dù ngành học đó không phù hợp với sở trường của mình.

Theo các chuyên gia, thí sinh nên chọn ngành học trước, theo sở thích của mình, xem cơ hội việc làm của ngành đó thế nào. Sau khi chọn được ngành yêu thích thì mới chọn trường phù hợp với năng lực của bản thân. Nếu theo đuổi một lĩnh vực mà bản thân không có sở trường, không có sự yêu thích sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, học tập không hiệu quả.

Sắp nhập khẩu than, có nên học khai thác mỏ?

Một thí sinh khác thì đưa ra câu hỏi: "Em nghe thông tin sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập than từ nước ngoài. Em mong muốn học ngành khai thác mỏ, nhưng rất lo lắng về cơ hội việc làm" .

Trước băn khoăn của thí sinh, TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất - cho biết, nhiều người nhắc đến ĐH Mỏ - Địa chất là chỉ nghĩ đến than, nhưng thực tế trường còn đào tạo nhiều ngành khác.

Ông Thành cũng cho biết khai thác khoáng sản bao gồm các loại khoáng sản rất đa dạng, chứ không chỉ thuần tuý làm về than. Trong khi đó, trữ lượng khai thác khoáng sản trong những năm tới của Việt Nam vẫn tương đối dồi dào.

Ngoài ra, nếu thí sinh vào đại học và chỉ nghĩ sau này ra trường sẽ làm việc tại Việt Nam thì tầm nhìn chưa thực sự rộng mở và phù hợp với xu hướng mới. Tính đến năm 2020, Việt Nam thiếu và cần cung cấp cho các nước ASEAN 6 triệu việc làm. “Các em nên nhìn xa, xác định phải học và làm công dân thế giới" – TS Thành đưa ra lời khuyên cho thí sinh.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn