MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một giờ học thực hành của học viên trường nghề tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Học nghề để làm công nhân, sao lại không?

NHẬT HỒ - QUỐC RIN LDO | 10/06/2024 14:27

Phân luồng học nghề ngay khi còn cấp trung học cơ sở tạo điều kiện để học sinh sớm có nghề. Học để làm công nhân lao động ngày càng được xem là một lựa chọn đúng đắn với những học sinh có năng lực phù hợp.

Chọn học nghề để làm công nhân

Em Lê Quốc Tĩnh, ấp Tân Phong A, xã Hòa Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau chọn học nghề sớm. Tĩnh chia sẻ: “Em đang học hệ trung cấp ngành Công nghệ thông tin, gia đình cũng hết sức ủng hộ. Ðơn giản thôi, sau 3 năm, em tốt nghiệp, đủ điều kiện đi làm, có thu nhập, trong khi đó các bạn cùng trang lứa cũng chỉ vừa tốt nghiệp THPT. Còn nếu muốn học thêm, thì mình vẫn có cơ hội như các bạn ấy”.

Qua quá trình tìm hiểu, em Nguyễn Huỳnh Thuý Duy, Ấp 4, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, quyết định học nghề và theo học chương trình THPT song song. “Em muốn có việc làm, thu nhập sớm để hỗ trợ thêm cho gia đình. Hơn nữa, khi học nghề thì được miễn học phí, gia đình cũng đỡ gánh nặng. Học nghề cũng dễ kiếm việc làm hơn sau khi ra trường", Thuý Duy bày tỏ.

Một giờ thực hành của học sinh trường nghề tại Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Nói về áp lực học tập, cả 2 bạn trẻ đều cho rằng: “Khi học song song cùng lúc 2 chương trình thì tất nhiên là có vất vả hơn, nhưng bản thân phải cố gắng vượt qua, vì chẳng có lựa chọn nào là dễ dàng cả. Những bạn học nghề sớm, sẽ trưởng thành hơn, tự lập hơn, cơ hội phát triển tương lai cũng rộng mở". Từ trải nghiệm của bản thân, cả 2 bạn khẳng định rằng học nghề sớm cũng là một lựa chọn tốt.

Quyết định số 552/QÐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” là quyết sách lớn trong lĩnh vực giáo dục nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp trong tình hình mới. Ðặc biệt, việc giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ngay sau bậc THCS đã thực sự mở ra nhiều lựa chọn cho học sinh.

Nhiều lợi ích không phải ai cũng biết

Ông Từ Hoàng Ân, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau khẳng định: “Chất lượng đào tạo và đầu ra việc làm cho người học là công việc mà nhà trường đặc biệt chú trọng. Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để giới thiệu các em thực tập, tìm kiếm cơ hội việc làm tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh, đồng thời được tiếp cận tư vấn, giới thiệu các chương trình đi lao động ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản...”.

Thị trường lao động với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi việc đầu tư cho giáo dục cần phải có những tính toán sáng suốt. Việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ bậc THCS là đúng đắn. Nếu làm tốt công tác này, tình trạng học sinh bỏ học sau bậc THCS sẽ giảm xuống, mở ra những lựa chọn linh hoạt, phù hợp cho học sinh tuỳ điều kiện, năng lực, cùng với đó là đào tạo được nguồn nhân lực cung ứng kịp thời theo nhu cầu của thị trường lao động.

Giờ thực hành của học sinh trường nghề tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Ông Nguyễn Minh Thảnh, Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Ðào tạo Trường cao đẳng Việt Nam Hàn Quốc Cà Mau thông tin: “Học nghề sau bậc THCS có nhiều lợi ích. Trước hết là được miễn 100% học phí bậc trung cấp nghề. Học sinh được học đồng thời bậc trung cấp nghề với học văn hoá THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT. Nghĩa là tối đa sau 3 năm, các em sẽ có nghề, cơ hội việc làm và thu nhập, quan trọng hơn là được tiếp tục liên thông học lên bậc cao hơn”.

Với 7 mã ngành hệ trung cấp và cao đẳng, nhà trường đang tập trung vào những ngành thế mạnh, có nhu cầu thực tế cao của người học tại Cà Mau như: Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Chế biến và bảo quản thuỷ sản, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí. Qua khảo sát, nhà trường cũng đã thống kê được khoảng 90% người học có việc làm sau tốt nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn