MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học phí đại học tăng cao khiến nhiều thí sinh từ bỏ ước mơ

Trà My LDO | 05/06/2023 08:36

Mang trên mình khát khao thoát nghèo bằng con đường học vấn, thế nhưng nhiều em học sinh buộc phải từ bỏ ước mơ thi đại học khi học phí ngày càng tăng cao.

Không dám thi đại học chỉ vì học phí

Dù sở hữu học lực tốt, thành tích 12 năm liền đều đạt học sinh giỏi với hàng loạt giấy khen, bằng khen nhưng em Nguyễn Thị Thùy - học sinh Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) - lại có ý định từ bỏ giấc mơ vào giảng đường đại học khi nghe tin nhiều trường đại học top đầu tăng học phí từ 10 - 60% theo Nghị định 81. Xuất phát từ gia đình thuần nông, mức thu nhập ít ỏi khiến cho việc theo đuổi ước mơ đại học của Thuỳ nằm ngoài tầm với của gia đình nữ sinh.

“Ngay từ bé, em đã ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn với nhiều bạn bè cùng trang lứa, nên em luôn cố gắng chăm chỉ học tập với ước mơ thoát nghèo bằng con đường học vấn. Tuy nhiên, việc nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí trước thềm năm học mới đã làm cho sự quyết tâm của em bị lung lay” - Thùy nói.

Thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn luôn là khát khao mà Thuỳ mong muốn chinh phục sau khi kết thúc 12 năm miệt mài đèn sách. Nhưng theo em tìm hiểu, học phí ngành học thấp nhất ở ngôi trường này là 15 triệu đồng/năm chưa kể chi phí sinh hoạt. Mức học phí này khiến em lo lắng.

“Học phí dự kiến năm 2023 của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội sẽ tăng 10% so với năm 2022, tương ứng với 350.000 - 1.000.000 đồng/tín chỉ. Áp lực học phí gia tăng khiến em có nguy cơ phải đánh đổi ước mơ, lựa chọn con đường khác phù hợp hơn” - nữ sinh bày tỏ.

Không khác nhiều so với trường hợp của Thùy, em Phạm Thị Nga - học sinh lớp 12 Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) - từng đạt giải ba môn Văn cấp tỉnh, có trung bình điểm thi thử ba môn khối D01 luôn đạt trên 25 điểm. Với mức điểm này, Nga tự tin trúng tuyển vào những trường top giữa. Tuy nhiên khi tìm hiểu trước học phí của các trường đại học năm nay, Nga lặng lẽ khép lại nguyện vọng của mình.

“Em dự định bàn bạc với gia đình về việc đi xuất khẩu lao động. Vì em muốn giảm bớt gánh nặng kinh tế và phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Đại học chính là ngưỡng cửa xa vời với em. Em ước mình và học phí có thể thu nhỏ khoảng cách để có thể chạm tới nhau” - Nga tâm sự.

Giáo viên muốn đấu tranh cho học trò nghèo

Cô Nguyễn Thu Hương - giáo viên dạy môn Ngữ Văn tại một trường THPT trên địa bàn Hà Tĩnh - chia sẻ: “Trong vòng hai năm trở lại đây, học sinh ở quê chỉ dám chọn các trường công an, bộ đội hoặc sư phạm để được hỗ trợ học phí. Còn những trường lớn hiếm có học sinh dám đặt nguyện vọng”.

Năm 2019, khi chứng kiến hai học trò nằm trong đội tuyển học sinh giỏi tỉnh do mình dẫn dắt muốn từ bỏ ước mơ đại học, cô Hương đã cùng một đồng nghiệp trong trường chạy vạy khắp nơi để tìm người hỗ trợ. Suốt một tháng liên hệ từ Bắc vào Nam, thậm chí kêu gọi những tổ chức nước ngoài với hi vọng học trò có cơ hội tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đại học, cô Hương chưa một lần biết mệt mỏi.

“Nhìn học trò giỏi lần lượt chọn con đường xuất khẩu lao động hoặc Nam tiến đã trở thành nỗi trăn trở trong suốt năm nay của tôi cũng như nhiều giáo viên khác” - cô Hương bày tỏ.

Suốt nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, thầy Ngô Trường Minh giáo viên tại một trường THPT tại Kiến An (Hải Phòng) cho hay, có rất nhiều em muốn bỏ học chỉ vì học phí cao. Câu chuyện này khiến thầy luôn trăn trở.

“Không những dạy học mà tôi còn tư vấn, động viên các em dù bất cứ lí do gì cũng phải theo đuổi con đường đại học đến cùng. Tôi chỉ mong các trường có nhiều chính sách nhằm giúp đỡ, khuyến khích các em, không vì hai chữ “học phí” mà cản trở con đường học vấn” - thầy giáo mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn