MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có nên vay tiền đi học trong bối cảnh nhiều trường tăng học phí là băn khoăn của nhiều sinh viên. Minh hoạ: Tuệ Nhi

Học phí đại học tăng cao: Không nên vay tiền để đi học

HUYÊN NGUYỄN LDO | 22/04/2021 16:58

Năm 2021, học phí các trường đại học tiếp tục tăng cao. Vì thế, chọn trường như thế nào là bài toán khó khăn với nhiều gia đình. Theo đại diện các trường đại học, thí sinh nên chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Nhiều trường thông báo tăng học phí

Năm học 2021-2022, thêm nhiều trường đại học thông báo tăng học phí, tăng vọt ở các trường bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính.

Trong hệ thống của Đại học Quốc gia TPHCM, có đến 4 trường được tự chủ sẽ điều chỉnh học phí.

Trong đó, Trường Đại học Công nghệ thông tin, học phí hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm; hệ chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng tiên tiến 45 triệu đồng/năm. Nhà trường cũng thông báo những năm tiếp theo, học phí ở mỗi hệ đào tạo nêu trên sẽ tăng thêm 5 triệu đồng/năm.

Phía Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng dự kiến tăng học phí ở tất cả các ngành đào tạo. Mức học phí chương trình đại trà tăng từ 12 triệu đồng lên 25 triệu đồng/năm/sinh viên; học phí chương trình tăng cường tiếng Nhật dự kiến 50 triệu đồng/năm; chương trình tăng cường tiếng Anh 66 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Luật TPHCM áp dụng mức học phí năm học 2020-2021 như sau: lớp đại trà 18 triệu đồng, lớp tiếng Anh pháp lý 36 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh 45 triệu đồng, lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật 49,5 triệu đồng.

Tương tự, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến tăng học phí cao nhất đến 32 triệu đồng/năm. Như vậy, tuỳ từng ngành học, hộ khẩu mà mỗi sinh viên sẽ có độ tăng khác nhau. Học phí dự kiến năm 2021 tăng cao nhất với sinh viên có hộ khẩu tại TPHCM là hơn 2,2 lần so với năm 2020.

Cân nhắc chọn lựa

Học phí tăng cao đang là bài toán khó khăn với nhiều gia đình. Có nên vay tín dụng để đi học hay không hay chỉ nên chọn một trường có học phí vừa phải.

Theo lí giải của đại diện Trường Đại học Bách khoa TPHCM, khi chuyển qua tự chủ, trường phải tự đảm bảo ngân sách cấp chi thường xuyên. Do vậy, tăng học phí là người học chia sẻ thêm với nhà trường trong việc thực hiện cơ chế tự chủ và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trường sẽ có chính sách hỗ trợ người học bằng nhiều cách để đảm bảo sinh viên khó khăn không phải nghỉ học do khó khăn tài chính.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mức học phí tăng như hiện nay, với đa số học sinh gia đình không khá giả, giàu có thì đều sẽ khó khăn để chi trả. Ông Khuyến cho rằng mỗi gia đình phải có những tính toán phù hợp, không nên đi vay quá nhiều tiền để phải lo lắng việc trả nợ sau khi học xong.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác chính trị - sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng khi chọn nghề, chọn trường, thí sinh cũng cần tính đến yếu tố chi phí trong học tập, mức học phí, học bổng của trường mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển có phù hợp với điều kiện gia đình hay không.

Theo ThS Mai Đức Toàn - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Gia Định, nhà trường muốn giữ nguyên mức học phí ổn định 11 triệu đồng/học kỳ cho suốt khoá học để phù hợp với nhiều gia đình, với mong muốn dù ở hoàn cảnh nào thì sinh viên cũng có thể theo học đại học.

Để được như thế, nhà trường phải triển khai áp dụng chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy với nội dung tinh gọn, giảng viên là doanh nhân để tăng cường trải nghiệm thực tế, giảm lý thuyết,... qua đó rút ngắn thời gian đào tạo còn 3 năm. Sinh viên sớm đi làm cũng sẽ giúp giảm gánh nặng về kinh tế.

"Chọn trường phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế sẽ giúp thí sinh tập trung học tập, phát huy hết khả năng của mình. Không phải vừa đi học vừa lo kiếm tiền trang trải cuộc sống", ông Toàn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn