MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Chân Phúc

Học phí dự kiến tăng, phụ huynh lo lắng, học sinh đắn đo khi chọn trường

Chân Phúc LDO | 08/01/2024 15:42

Việc học phí đại học năm học 2024-2025 được dự báo sẽ đồng loạt tăng cao đang khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo đó, điều chỉnh lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Tức là, học phí năm học 2023-2024 của giáo dục đại học tăng so với học phí năm học 2022-2023, nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Như vậy, từ năm học 2024-2025, học phí ở các trường đại học sẽ tăng khá cao theo lộ trình về mức thu học phí quy định tại Nghị định 81. Điều này đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng.

Đắn đo khi chọn ngành, chọn trường

Bà Nguyễn Thị Lam (Hà Tĩnh) đang có con là học sinh lớp 12. Năm học 2024-2025, con bà sẽ bước vào giảng đường đại học, cùng thời điểm học phí được dự báo tăng cao.

Bà Lam chia sẻ: "Những năm gần đây tôi luôn theo dõi sát sao tình hình học phí ở các các trường đại học để có lựa chọn phù hợp cho con trai nhưng mức thu học phí mới đang ở trên khả năng của gia đình.

Năm 2014, tôi có cùng lúc 2 đứa con vào đại học, nhưng tổng học phí cho 4 năm học của mỗi đứa chỉ ở mức khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo mức học phí mới, 1 năm đã ở khoảng trên 30 triệu đồng, gấp 4 lần thời điểm đó. Điều này đang vượt qua khả năng của gia đình".

Chị Nguyễn Thị Huế (39 tuổi, cùng quê Hà Tĩnh) bày tỏ lo lắng về chi phí đại học cho con ở những năm tới. Theo chị, con gái đang có dự định thi vào Trường Đại học Y Hà Nội, tuy nhiên sau khi tham khảo mức học phí chị đã bàn với con để chọn học trường khác.

"Bắt buộc con thay đổi nguyện vọng thực sự là điều khiến tôi rất đau lòng, nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên con cũng hiểu và đang suy nghĩ chọn một ngành học khác", chị Huế tâm sự.

Em Nguyễn Hiệp, học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh cho biết, đang phân vân trong quá trình chọn trường để xét nguyện vọng.

Hiệp cho biết, ngoài cân nhắc ngành nghề yêu thích thì vấn đề học phí được em và gia đình quan tâm.

"Gia đình em bố mẹ đều làm nông, thu nhập ở mức thấp, nếu chọn trường có mức học phí quá cao gia đình sẽ không thể nào chu cấp được trong 4 năm học. Em dự định chọn trường có mức học phí vừa phải, đồng thời cố gắng giành thêm học bổng để hỗ trợ phần nào cho gia đình", Hiệp nói.

Lãnh đạo một số trường đại học khẳng định, sẽ điều chỉnh học phí theo hướng tăng nhưng không quá cao, tránh gây áp lực với người học. Ảnh: Chân Phúc

Tăng nhưng không quá cao

Trao đổi với Lao Động, TS Phan Hồng Hải - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, hiện trường đang thực hiện thu học phí theo hướng lùi lộ trình học phí 1 năm so với Nghị định 81. Thu thấp hơn mức trần học phí cho phép tại Nghị định 97 mới ban hành.

"Theo Nghị định 97 cho phép nhà trường thu thêm học phí ở năm học 2023-2024, nhưng nhà trường không có ý thu thêm học phí ở năm học này.

Học phí dự kiến sẽ có điều chỉnh theo hướng tăng ở năm học tới, nhưng không quá cao nhằm tạo điều kiện cho người học", TS Phan Hồng Hải thông tin.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công thương TPHCM cho biết, dự kiến sẽ điều chỉnh mức thu học phí ở năm học tới 2024-2025 nhưng vẫn ở mức thấp hơn mức trần cho phép tại Nghị định 97.

"Nhà trường sẽ cố gắng cân đối thu chi, trong khả năng cho phép để không đẩy khó khăn về vấn đề tài chính lên người học", PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn