MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học phí khối ngành Sức khoẻ năm 2021 tiếp tục "lên dốc"

Đức Mạnh LDO | 16/04/2021 15:33

Bên cạnh tỉ lệ chọi vô cùng gắt gao, các thí sinh khi chọn khối ngành Sức khoẻ cũng lo lắng về học phí bởi số tiền này trong những năm qua đã tăng chóng mặt.

Học phí thuộc top cao nhất, có trường lên tới 220 triệu đồng/năm

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, các trường thuộc khối ngành Sức khoẻ đã dần công bố mức học phí năm nay. Nhìn vào mức học phí tăng như "lên dốc" này, thí sinh "con nhà nghèo" còn đùa nhau tiết kiệm gạo dần để nộp đủ tiền học. Cụ thể học phí một số trường tiêu biểu mới được công bố như sau:

- Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng: Học phí ngành Răng - Hàm - Mặt và Y Đa khoa đào tạo bằng tiếng Anh lên tới 220 triệu đồng/năm. Tăng nhẹ so với năm 2020 là gần 200 triệu đồng/năm.

- Trường Đại học Hoa Sen trong năm 2021 mở thêm 3 ngành mới. Cụ thể, học phí ngành Răng hàm mặt là 180 triệu đồng/năm; Dược học là 155 triệu đồng/năm; Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật Y sinh khoảng 60 triệu đồng/năm

- Trường Đại học Văn Lang, cao nhất là 4.480.000 đồng/tín chỉ, với ngành Răng hàm Mặt (tức 990 triệu đồng/ khoá).

- Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội: Đối với các ngành chương trình chuẩn học phí 14,3 triệu đồng/năm; đối với chương trình chất lượng cao, mức học phí 60 triệu đồng/năm.

- Trường Đại học Y Hà Nội trong năm 2021 chưa thực hiện cơ chế tự chủ vì vậy học phí năm học 2021 - 2022 chưa có nhiều thay đổi so với những năm học trước.

Như vậy, học phí với sinh viên chính quy vẫn theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tức 14,3 triệu đồng/năm.

Một số trường thuộc khối ngành Sức khoẻ tăng học phí theo chu kỳ 10% một năm. Ảnh: TTXVN

Đại diện các trường lý giải như thế nào?

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS.BS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết thực ra trường được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2019 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Điều này khiến trường rất khó khăn vì đào tạo nhóm ngành đặc biệt này quá tốn kém. Chi phí đào tạo trung bình cho một sinh viên đã khoảng 32 triệu đồng/năm.

Đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng thông tin: "Học phí dự kiến áp dụng trong năm học 2021 - 2022 để đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp Đại học."

Theo ông, trường dùng ngân sách để tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học. Đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ: "Trường hiện đã không còn được Nhà nước cấp ngân sách nên với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ."

Nếu sinh viên nào thực sự khó khăn sẽ được nhà trường hỗ trợ học phí ngay trong năm đầu tiên. Những năm tiếp theo, không phải tất cả sinh viên diện này hiển nhiên được trường hỗ trợ tiếp mà sẽ được xét trao học bổng khuyến khích học tập và các nguồn học bổng khác. Ông Khôi nhấn mạnh rằng sinh viên phải chứng tỏ được mình nghèo nhưng vượt khó học giỏi mới được nhà trường hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn