MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học tới, dự kiến mức tăng học phí tại TPHCM sẽ tăng cao. Ảnh: Huyên Nguyễn

Học phí trường công lập dự kiến tăng cao nhất 5 lần: Cần lộ trình và tính tới học sinh khó khăn

Huyên Nguyễn LDO | 17/05/2022 07:36

Từ năm học 2022-2023, học phí các trường công lập tại TPHCM dự kiến tăng 70.000-240.000 đồng/tháng tùy khu vực. Trong đó, bậc THCS tăng gấp 5 lần. Nhiều người lo ngại học phí tăng cao dễ dẫn đến hiệu ứng domino khiến nhiều khoản khác như học phí buổi hai, phí bán trú, các khóa học tăng cường, học phí các trường tư thục... đều có “cớ” để tăng.

Thêm gánh nặng với phụ huynh 

Hằng ngày, chị Diễm Phượng (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) sống bám vào xe hàng rong bán nước giải khát để kiếm sống nuôi mẹ già và 2 người con nhỏ ăn học. Chính vì thế, nghe thông tin học phí sẽ tăng gấp 5 lần trong năm học tới, chị vô cùng lo lắng.

Theo chị Phượng, không chỉ học phí tăng mà sách giáo khoa, dụng cụ học tập, chi phí sinh hoạt cũng đều có xu hướng tăng cao. Thời điểm đầu năm học thường nặng gánh nhất với phụ huynh, vì phải đóng đủ khoản tiền; từ học phí, quỹ hội phụ huynh, bảo hiểm, tiền mua sách vở,... Tiếp đó, hằng tháng, chị phải đóng các khoản tiền nước uống, phí tăng cường học tiếng Anh, kỹ năng sống.

“Tôi có 2 cháu, năm tới 1 đứa học lớp 7, 1 đứa học lớp 12. Cả nhà 4 người sống bám vào xe hàng rong, đắt khách thì lãi được hơn trăm nghìn còn ế ẩm thì vài chục nghìn. Thứ Bảy, Chủ nhật hay ngày mưa cũng phải nghỉ bán. Học phí tăng khiến tôi hoang mang vô cùng”, chị Phượng cho hay.

Cũng trong cảnh khó khăn, chị Nguyễn Lân - công nhân khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) than thở suốt mùa dịch, gia đình chị lâm vào cảnh khốn đốn, khó khăn, đã có những lúc phải lên mạng xã hội xin chút gạo, trứng để sống qua ngày. Hai vợ chồng làm công nhân với đồng lương ít ỏi nhưng mỗi tháng phải trang trải chi phí nhà trọ và điện nước hết 3 triệu đồng, tiền ăn uống hết 3-4 triệu đồng. Ngoài học phí và vô số khoản đầu năm, hằng tháng, chị Lân cũng phải đóng rất nhiều khoản khác như tiền ăn bán trú, phục vụ bán trú, học buổi hai,…

Trong khi đó, anh Linh Hoàng (phường 13, quận Tân Bình) thì quan tâm hơn hết tới chất lượng học tập. “Nếu tăng học phí lên thì chất lượng, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên… có tăng lên tương xứng không. Đây mới là điều tôi quan tâm nhất”, anh Hoàng bày tỏ.

Lo ngại hiệu ứng domino phí học tập

Chia sẻ về việc vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) - cho rằng, ông quan tâm tới 3 mục tiêu khi tăng học phí: Tăng lương cho giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, ông cũng lo ngại học phí tăng dễ dẫn đến hiệu ứng domino khiến nhiều khoản khác như học phí buổi hai, phí bán trú, các khóa học tăng cường, học phí các trường tư thục... đều có “cớ” để tăng. Điều này tạo sức ép lớn lên vai phụ huynh.

Còn ông Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cho rằng, xét về sự phát triển chung, mặc dù TPHCM là đầu tàu phát triển của cả nước nhưng 6 năm qua mức học phí bậc THPT chỉ là 120.000 đồng/tháng. Mức thu hiện nay khiến các trường rất hạn hẹp nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động dạy học, sáng tạo khác vì trường chỉ được trích sử dụng 60%. Vì thế, ông cho rằng đề xuất tăng lên 300.000 đồng/tháng ở bậc THPT thuộc nhóm 1 là phù hợp để nhà trường hoạt động, nhất là từ năm học tới khi chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ triển khai ở lớp 10, khối THPT sẽ phải có rất nhiều hoạt động như trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương, dạy các môn nghệ thuật… đòi hỏi cần thêm nguồn kinh phí chi trả. Mức này cũng không phải quá cao đối với những người có mức thu nhập khá trở lên.

Tuy nhiên, ông Đảo cũng chỉ ra rằng đứng trên khía cạnh phụ huynh, mức học phí này cũng còn là gánh nặng của nhiều bậc cha mẹ có thu nhập thấp, nhất là những hộ gia đình nhập cư, tạm trú không thuộc diện miễn, giảm học phí theo quy định.

“Với nhiều phụ huynh, 300.000 đồng/tháng cũng là gánh nặng không nhỏ. Ngay ở quận 4 cũng còn nhiều trường hợp khó khăn nên nhà trường phải vừa thực hiện đúng quy định nhưng cũng phải linh hoạt, uyển chuyển để giải quyết khó khăn của cha mẹ học sinh”, ông Đảo bày tỏ.

Cùng quan điểm, bà Hứa Thị Diễm Trâm - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) cho hay ngoài những học sinh đủ điều kiện được hưởng chính sách miễn giảm học phí của Nhà nước thì trong thực tế, còn rất nhiều em không đủ giấy tờ vì nhiều lý do nhưng có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Đầu năm, nhà trường luôn phân công giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu và xác nhận thông tin của học sinh.

“Giáo viên không thể hỏi là có con nào hộ nghèo không thì giơ tay hay dựa vào lời khai lý lịch mà phải khéo léo tìm hiểu thông tin để trẻ không bị tổn thương, không thấy tự ti, mặc cảm… Từ đó, lập danh sách đúng người, đúng hoàn cảnh khó khăn để nhà trường tìm hướng giúp đỡ”, bà Trâm cho hay.

Mỗi năm, Trường THCS Hà Huy Tập thường có nhiều hoạt động ý nghĩa để có nguồn lực tài trợ học phí cho học sinh nghèo như: vận động các mạnh thường quân, bên Đội Thiếu niên tiền phong phát động các phong trào như Cùng bạn đến trường, Cùng bạn vui Tết …

“Những năm qua, học phí thấp nên việc hỗ trợ tại trường diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, nếu học phí sắp tới bậc THCS tăng gấp 5 lần thì sẽ phải có thêm nhiều phương án khác nữa. Tôi cũng đang tính đến việc lập thêm ống heo trong Hội đồng Sư phạm nhà trường”, bà Trâm bày tỏ.

Trong khi đó, một vị hiệu trưởng trường THCS công lập khác thì cho rằng việc tăng ngay lập tức gấp 5 lần sẽ gây khó khăn cho phụ huynh. Vì thế, vị này kiến nghị cần tăng có lộ trình, gấp đôi, gấp ba… “Tăng vậy, thấy tội phụ huynh quá!”, vị này chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn