MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ sập trần nhà khiến học sinh Trường phổ thông Hermann Gmeiner Vinh bị thương. Ảnh: Hải Đăng

Học sinh bị liệt do sập trần lớp học, trách nhiệm thuộc về ai?

Tuyết Anh LDO | 25/12/2023 17:14

Đó là câu hỏi của bất kì ai khi nghe được thông tin một học sinh bị liệt, khả năng phục hồi kém do sập trần lớp học.

Những ngày qua, thông tin về vụ việc 8 học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Nghệ An) bị thương do trần gỗ ở lớp học bất ngờ bị đổ sập khiến dư luận bàng hoàng, xót xa.

6 học sinh sau khi được kiểm tra tổng thể về sức khỏe, chấn thương đã được cho xuất viện, 1 cháu vẫn nằm điều trị tại bệnh viện, 1 nữ sinh được chuyển tuyến ra cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tuy nhiên khả năng phục hồi kém.

Sau mổ cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, nữ sinh 16 tuổi qua được nguy hiểm, song bị liệt hoàn toàn vận động và cảm giác, khả năng phục hồi kém.

Theo dõi dòng tin tức qua các kênh phương tiện truyền thông đại chúng, chị Vũ Thị Duyên (Kiến Xương, Thái Bình) không khỏi xót xa:

"Không biết vì sao tường nhà hỏng đến mức sập xuống như vậy mà trước đó không ai hay biết. Vì nếu được xây dựng kiên cố thì không thể xảy ra tình trạng sập như thế được, chắc chắn phải có dấu hiệu hỏng từ trước. Tôi rất lo lắng về an toàn của con khi đến trường và mong muốn các trường học thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất đảm bảo cho học sinh học an toàn, vì tiền xây dựng hằng năm, phụ huynh đều đóng góp đầy đủ".

Chị Phạm Thị Liễu (Thủ Đức, Sài Gòn) cũng bày tỏ sự lo lắng: "Để tình trạng tương tự không xảy ra, tôi nghĩ chính quyền các cấp, ban giám hiệu các trường học cần phối hợp với đội ngũ thi công kiểm tra cơ sở hạ tầng, vật chất trường học, đảm bảo môi trường học tốt cho các em. Việc giám sát, kiểm tra cần mang tính định kỳ, liên tục để nâng cao hiệu quả hơn, tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra".

Chị Liễu cho rằng, vấn đề này không thuộc về trách nhiệm của một cá nhân nào mà do thiếu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên liên quan. Việc xây dựng môi trường cho các em học nhưng lại không kiểm tra chất lượng thường xuyên, dẫn đến sự việc đau lòng vừa rồi xảy ra.

"Tôi nghĩ từ chính quyền đến ban giám hiệu, đội ngũ viên chức đều phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Đến ngay cả giáo viên, khi đứng lớp nhận thấy sự xuống cấp trầm trọng mà vẫn không báo cáo lên đã là sự thiếu trách nhiệm" - chị Liễu nêu quan điểm.

Là phụ huynh có 2 con trong độ tuổi đến trường, chị Lý Phương Thảo (Thanh Hoá) bày tỏ quan điểm, việc để xảy ra tai nạn gây thương tích cho trẻ ngay trong trường học là điều không thể chấp nhận. Bởi trường học phải là nơi an toàn để cha mẹ yên tâm gửi con trẻ đến học tập mỗi ngày.

"Những thứ bất khả kháng như thiên tai tôi không nói nhưng riêng vụ việc trần nhà sập khiến học sinh bị thương là điều không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng cần vào cuộc, tìm hiểu rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm, từ hiệu trưởng đến chủ đầu tư, đơn vị thi công,... Từ đó, có hình thức xử phạt cụ thể" - chị Thảo chia sẻ.

Vụ việc xảy ra là điều không ai mong muốn, song nó đã để lại hậu quả nghiêm trọng đến học sinh, gia đình. Do đó, chị Thảo cho rằng, cần phải có giải pháp để ngăn chặn những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra.

"Học sinh, giáo viên không thể an tâm dạy học khi có mối nguy hiểm rình rập. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa vào qui định bắt buộc thanh kiểm tra an toàn trường học hàng năm, đừng để giáo viên, học sinh phải chịu những tai nạn mà có thể loại trừ nguy cơ từ sớm" - chị Thảo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn