MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Học sinh chạy đua với kỳ thi đánh giá năng lực

Trà My LDO | 12/03/2024 08:11

Đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, nhiều học sinh lớp 12 cho biết, áp lực không chỉ đến từ việc phải thi đỗ tốt nghiệp THPT mà còn phải căng mình chạy đua luyện thi và tham gia nhiều kỳ thi riêng để tăng cơ hội vào đại học.

Áp lực giành suất vào đại học

Đặt mục tiêu thi đỗ vào các ngành kỹ thuật của nhiều trường đại học Top đầu cả nước: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, em Nguyễn Mai Trang - học sinh Trường THPT Chuyên Biên Hòa (Hà Nam) - cho biết, em sẽ tham gia nhiều phương thức xét tuyển khác nhau để gia tăng cơ hội vào đại học.

Mai Trang cho biết, ngoài thời gian học trên lớp, nữ sinh này thường xuyên tới các lớp học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực tổ chức vào ngày 20.4 sắp tới đây.

"Em cũng được anh chị khóa trước tư vấn rất nhiều, nếu em muốn tạo khoảng cách lớn với các thí sinh khác và chắc chắn suất đỗ đại học thì bắt buộc phải đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy" - Mai Trang chia sẻ.

Mai Trang cũng dự tính, nếu thi xong đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của trường đại học, nữ sinh sẽ tiếp tục dự thi đợt 2 để dành nhiều thời gian cho việc học các môn học khác.

"Hiện tại, vì dành quá nhiều thời gian cho kỳ thi này nên em bị xao nhãng việc học của các môn học thi tốt nghiệp. Thi đánh giá năng lực xong, em sẽ tranh thủ học các môn bắt buộc để đủ điểm tốt nghiệp" - Mai Trang cho hay.

Là học sinh cuối cấp, em Phạm Trường Vũ - học sinh Trường THPT Phú Nhuận (TPHCM) cảm nhận, bản thân không có thời gian nghỉ ngơi vì lịch học dày kín.

Trường Vũ cũng cho biết thêm, năm 2024, có tới hơn 100 trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Chính vì vậy, việc đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực là điều nam sinh này không thể bỏ qua.

Ngoài thời gian tự học, gia đình Vũ còn mời thêm gia sư về nhà để trao đổi, dạy học cho nam sinh. Vào các buổi không đi học thêm, Vũ chủ động lên mạng, tham gia các nhóm luyện thi, tham khảo các đề thi đánh giá năng lực của các năm về trước. Bản thân Vũ cũng kỳ vọng, kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực, em có thể đạt được số điểm thi 900/1200.

Nên cân nhắc tham gia kỳ thi đánh giá năng lực

Thấu hiểu được áp lực của các thí sinh vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa chạy đua với các kỳ thi riêng để tăng cơ hội vào đại học, thầy Ngô Trường Minh - giáo viên Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) cho rằng, thí sinh cần hết sức cân nhắc việc lựa chọn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực.

"Học sinh cần lượng sức mình để tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy của các trường đại học top đầu. Vốn dĩ, cấu trúc đề thi, nội dung thi của kỳ thi này có phần khác so với đề thi thông thường. Do đó, nếu muốn tham gia thi các kỳ thi này, đòi hỏi các em phải có một lượng kiến thức lớn. Theo tôi được biết, kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học chia làm 2 đợt, thời gian thi của đợt 2 khá sát với thời gian thi tốt nghiệp THPT, vì vậy, các em cần phải phân chia thời gian hợp lý để ôn tập và thi cử" - thầy Minh nêu quan điểm.

Ở quan điểm của người làm giáo dục bậc đại học, TS. Đỗ Thị Thu Thủy - Trưởng khoa Viết văn, Báo chí - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội nhìn nhận, trên thực tế, có nhiều học sinh vì quá ưu ái các kỳ thi riêng nên việc học bị lơ là, quá tải. Thậm chí, nhiều thí sinh đỗ kỳ thi đánh giá năng lực nhưng lại trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Các thí sinh không nên quá ôm đồm tham gia hết kỳ thi này đến kỳ thi khác. Khi không quá tập trung cho một kỳ thi sẽ khiến các em không đạt điểm tốt ở kỳ thi nào. Điều này sẽ gây phản tác dụng của các kỳ thi riêng. Nhiều thí sinh vì đạt điểm thấp kỳ thi đánh giá năng lực đã suy sụp tinh thần, ở chiều ngược lại, các thí sinh biết mình đạt điểm cao ở kỳ thi riêng thường có tâm lý chủ quan, không thực sự nghiêm túc với việc thi tốt nghiệp" - TS Thủy thẳng thắn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn