MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh có thể được nghỉ học khi có bộ quy chuẩn ô nhiễm không khí

Đặng Chung LDO | 20/12/2019 15:24

Theo quan điểm của TS Nguyễn Kim Dung (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo), xây dựng bộ quy chuẩn về các mức độ ô nhiễm không khí là rất cần thiết và cần sử dụng bộ quy chuẩn này để khuyến cáo với những nhóm đối tượng dễ bị tác động của ô nhiễm không khí như trẻ em, người già, người mắc các bệnh về đường hô hấp.

Cần có cảnh báo về vấn đề ô nhiễm không khí

Những ngày qua, các chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã lên tới mức báo động, đặc biệt số người bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp được ghi nhận có gia tăng mạnh. Các trường học ở Hà Nội đã phải khuyến cáo với phụ huynh chú ý cho con em đeo khẩu trang khi đi học, mặc quần cáo kín để tránh bụi mịn bám vào da.

Nhiều trường quốc tế còn hướng dẫn cho học sinh theo dõi chỉ số không khí, đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về vấn nạn ô nhiễm, phổ biến cách để bảo vệ sức khỏe, ứng phó với vấn đề môi trường.

Theo TS Nguyễn Kim Dung (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo), đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng bộ quy chuẩn chung về các mức độ ô nhiễm không khí và có những cảnh báo đến người dân, đặc biệt là đối tượng dễ bị tác động.

Bộ quy chuẩn này cần xây dựng một cách khoa học, phù hợp với quy định của Chính phủ. Chủ trì xây dựng bộ quy chuẩn nên là Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hoặc Bộ Y tế, phối hợp với các bộ ngành khác. Khi thực hiện xây quy chuẩn thì phải  đo đạc, phân tích ô nhiễm không khí có nguyên nhân từ đâu, vì sao có bụi mịn. Ví dụ như các hoạt động phát thải từ các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, hoạt động công nghiệp như sản xuất xi măng, nhiệt điện dùng công nghệ cũ là nguyên nhân gây ra bụi mịn...

Ngoài ra cần tham vấn các cách làm của quốc tế. Nhiều nước trên thế giới phát triển nóng, nhưng sau đó họ nhận ra điều đó khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó họ có các giải pháp để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường vì liên quan đến sức khỏe của con người.

“Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường nên sẽ phải thực hiện theo quy định quốc tế. Vì vậy tôi nghĩ lúc này có một quy chuẩn chung về vấn đề ô nhiễm không khí là hết sức cần thiết” - TS Dung nhấn mạnh.

Tình trạng Hà Nội mờ mịt được ghi nhận trong nhiều ngày, khi chỉ số chất lượng không khí ở ngưỡng tím. Ảnh: Minh Hà

Về kiến nghị xem xét cho học sinh tiểu học và mầm non nghỉ học vào những ngày chỉ số ô nhiễm ở mức quá xấu, TS Dung cho rằng, vấn đề này cũng giống như nhiệt độ dưới 10 độ C thì học sinh tiểu học và trẻ mầm non được phép nghỉ học. Nhưng để thực hiện được cần có một quy chuẩn chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế. Những gì ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì phải khuyến cáo. Vấn đề ô nhiễm không khí cũng có thể xem là một dạng rủi ro đối với con người và cần nghiên cứu, ứng phó kịp thời.

Lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường vào môn học

Với hơn 1 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh, sinh viên, đi cùng với đó là hàng triệu gia đình, ngành giáo dục có vai trò quan trọng trong việc tuyên tuyền nâng cao ý của mọi người về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường.

Nội dung giáo dục về môi trường đã được tích hợp, lồng ghép vào các môn học từ trước hoặc đưa vào hoạt động ngoại khóa trong nhà trường dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đực biệt, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc đưa nội dung này vào chương trình trở thành yêu cầu bắt buộc và được quy định rõ trong Thông tư 33/2017/ TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những nội dung giáo dục bảo vệ môi trường được thể hiện hợp lý trong nội dung sách giáo khoa.

Hiện Bộ Giáo dục đã giao cho các trường sư phạm rà soát để xây dựng khung giáo dục bảo vệ môi trường theo chương trình giáo dục tổng thể, cung cấp cho các tác giả sách giáo khoa, các chuyên gia xây dựng chương trình để việc đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình được thể hiện hợp lý, có sự liên thông giữa các cấp học.

Đồng thời các nội dung như ô nhiễm không khí, rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy…sẽ được cập nhật hơn theo yêu cầu hiện nay. Đây đều là những vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm và sẽ được đưa vào các bài học để giáo dục học sinh.   Đồng thời sẽ đưa ra những yêu cầu cần đạt, chú trọng đánh giá kiểm tra, giám sát để theo dõi mức độ tiến bộ trong nhận thức và hành vi của học sinh về vấn đề bảo vệ môi trường.

Trước những yêu cầu đặt ra với vấn đề ô nhiễm không khí, thời gian tới tổ chức UNICEF dự kiến tài trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các sáng kiến để hạn chế về vấn đề ô nhiễm không khí và thời gian tới sẽ thử nghiệm ở một số tỉnh thành.                        

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn