MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm diễn ra các kỳ thi chuyển cấp cũng là lúc học sinh phải chạy đua với thời gian để ôn luyện và dễ bị áp lực, căng thẳng. Ảnh: Hải Nguyên

Học sinh cuối cấp căng thẳng vì áp lực thi cử

Trang Hà LDO | 22/03/2023 19:50
Kỳ vọng của gia đình, thầy cô, những lịch học và ôn thi dày đặc để chuẩn bị kiến thức cho các kỳ thi chuyển cấp khiến học sinh căng thẳng và áp lực. Theo các chuyên gia, để hóa giải áp lực thi cử cho con, trước tiên cần phải thay đổi từ chính các bậc làm cha làm mẹ.

Sức ép từ những kỳ vọng

Với nhiều học sinh cuối cấp lúc này, việc học cả ngày ở trường không còn là lịch trình duy nhất. Sáng học chính khóa, chiều ôn thi, tối đến lò luyện, tham gia khóa ôn thi online hay cặm cụi ngồi giải đề đến tận đêm khuya.

“Em thấy rất áp lực vì phải học quá nhiều. Nhiều lúc bị rơi vào tình trạng bị bội thực kiến thức, nhưng cũng có khi thấy kiến thức gì cũng đang thiếu, trong khi các kỳ thi đang đến gần nên rất lo lắng” - Ánh Dương (học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội) chia sẻ.

Em và gia đình đều mong muốn thi đỗ được vào một trường đại học top đầu, nên áp lực càng lớn. Đặc biệt, em không dám tâm sự điều này với bố mẹ vì gia đình đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào em. 

Cũng như Ánh Dương, thời điểm này, Nguyễn Vũ Hải Lân - học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) cũng đang tập trung cao độ để ôn thi.  Ngoài liên tục tham gia các kỳ thi thử tốt nghiệp của trường và của Sở GDĐT tổ chức, em còn tập trung thời gian để ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực để làm kết quả xét tuyển vào trường đại học mình mong muốn.

“Căng thẳng, áp lực như nhân đôi, em luôn trong trạng thái quay cuồng với lịch học dày đặc để chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới”- Hải Lân tâm sự.

Không chỉ học sinh lớp 12 chịu áp lực thi cử, mà các em học sinh lớp 5, lớp 9, đặc biệt ở các thành phố lớn cũng đang trong trạng căng thẳng chuẩn bị cho các kỳ thi chuyển cấp, chạy đua thời gian để ôn thi vào trường chuyên, lớp chọn. Ngoài lịch học, ôn thi dày đặc, nhiều em tâm sự, căng thẳng cũng đến từ sự kỳ vọng quá lớn về thành tích, điểm số… của các bậc phụ huynh với con em mình.

Làm thế nào để giảm áp lực?

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thu Nhiên -  chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy, Trung tâm hỗ trợ cộng đồng Thu Nhiên Better Minds - cho biết, mỗi mùa thi cử, bà vẫn tiếp nhận và tư vấn cho các trường hợp trẻ bị rối loạn cảm xúc bởi chịu áp lực căng thẳng do việc học tập. Rất nhiều học sinh tâm sự, áp lực ngoài đến từ các kỳ thi thì còn có sự kỳ vọng quá lớn của gia đình, xuất phát từ tình yêu thương đi cùng kỳ vọng của cha mẹ.

Chuyên gia lập trình ngôn ngữ tư duy Hoàng Thị Thu Nhiên. Ảnh: Bích Hà 

Theo bà Nhiên, sự yêu thương sai cách có thể dễ dẫn tới xung đột. Kỳ vọng quá lớn, muốn con vào trường này, trường kia thành ra vô tình bố mẹ tạo áp lực cho con. Con căng thẳng ở cả trường học và khi về nhà. Hệ lụy xảy ra khiến cho nhiều trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý.

Chuyên gia cho rằng, để hóa giải áp lực cho con vào mỗi mùa thi, trước tiên cần phải thay đổi từ chính các bậc làm cha làm mẹ. Bố mẹ hãy học cách nhìn áp lực ấy bằng một góc nhìn khác, tức chuyển hướng sự tập trung.

Cách chuyển hiệu quả là nhận biết rằng con mình đã và đang rất cố gắng, ghi nhận sự cố gắng của con, tin tưởng con. Và hãy nói cho con biết điều đó. Việc nói cho con biết cha mẹ tin tưởng và ghi nhận con rất quan trọng với các con.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh, bố mẹ hơn ai hết là người hiểu về năng lực của con đến đâu. Không một bố mẹ nào không muốn điều tốt nhất đến với con. Tốt nhất bằng năng lực hiện tại của con chứ không phải tốt như bố mẹ mong muốn.

“Cha mẹ cần phải hướng cho con nhận biết mục tiêu của cá nhân con muốn và cần làm những gì, con cần sắp xếp ra sao chứ không phải bố mẹ muốn. Để các bạn tự nhận thức, đang lo điều gì… và những gì đang tạo ra áp lực cho chúng.

Thường trẻ sợ mình không đạt được kết quả mà bố mẹ và mình đang muốn. Hoặc là cảm thấy học nhiều, quá mệt mà không có được sự ghi nhận của người thân dù đã làm quá sức. Từ đó sinh ra bất mãn. Cha mẹ cần gỡ từng rào cản một để trẻ tin vào bản thân, thấy mình có đầy đủ năng lực để làm điều này bằng cách của mình” – chuyên gia chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam bị rối loạn sức khỏe tâm thần là áp lực học tập. Thời gian sắp tới các kì thi chuyển cấp, thi đại học… tình trạng áp lực thi cử với các em học sinh càng dễ xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn