MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận nhiều đổi mới trong tuyển sinh đại học. Ảnh: Hải Nguyễn

Học sinh cuống cuồng "chạy theo" phương án tuyển sinh đại học

Thiều Trang - Tường Vân LDO | 07/01/2022 15:56

Mùa tuyển sinh năm 2022 ghi nhận nhiều dấu ấn đổi mới trong phương án tuyển sinh đại học, đặc biệt là các trường top đầu có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021. Những đổi mới trên buộc học sinh lớp 12 phải nhanh chóng thay đổi phương án ôn tập để nâng cao cơ hội đỗ vào ngôi trường mình mong ước.

Giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT

Hiện nay, nhiều trường đại học đã thông tin về phương án tuyển sinh năm 2022. Theo đó, các trường top đầu đều đưa ra 4 đến 6 hình thức xét tuyển, đồng thời giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT so với năm 2021.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, theo dự kiến năm 2022, trường dành 60-70% tổng chỉ tiêu cho kết quả kỳ thi đánh giá tư duy; 20-30% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng và chỉ dành 10-20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 - giới hạn với một số chương trình đào tạo.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Giao thông Vận tải năm 2022 cũng giảm khoảng 30% so với năm 2021.

Trường duy trì 4 phương thức xét tuyển gồm sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40-50%), kết quả học bạ THPT (20-30%), tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1-2%), xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5-10%).

Năm 2022, Trường Đại học Thương mại dự kiến tuyển sinh 4.150 chỉ tiêu với 5 phương thức gồm: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển học bạ, Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nếu năm 2021, hình thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT dành tối thiểu 82% chỉ tiêu thì năm 2022 dự kiến chỉ 45-50%.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học khác như Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất... cũng dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và dành khoảng 20-30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì trong mùa tuyển sinh năm 2022. 

Học sinh cuống cuồng thay đổi phương hướng ôn tập

Trước những biến động về phương thức xét tuyển đại học, em Nguyễn Phương Anh - học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) - cho rằng, các trường đại học đang siết chặt đầu vào khi "nâng cấp" độ khó các phương thức tuyển sinh. Điều này sẽ đánh giá năng lực thực sự của học sinh, giúp học sinh tìm được môi trường học tập tốt và phù hợp với năng lực của mình. Tuy nhiên, điều này khiến học sinh vất vả trong học tập, thậm chí chạy đua theo phương thức xét tuyển.

"Hiện nay, rất nhiều bạn đổ xô học Ielts, ôn thi ở lò luyện, tìm thầy học ôn đề thi đánh giá năng lực... dường như kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn quan trọng. 

Em mới thi xong Ielts và may mắn có tấm bằng 7.0. Em chọn khối D07 làm tổ hợp môn xét tuyển nên em đẩy mạnh ôn tập Toán và Hóa. Tuy nhiên, với phương thức xét tuyển mới, em cũng hơi phân vân trong việc lựa chọn cách xét tuyển, cũng như chọn lựa trường đại học phù hợp" - Phương Anh cho biết.

Em Lê Hà Trang - học sinh Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) - thừa nhận, năm nay, rất nhiều trường sử dụng các phương thức tuyển sinh đại học khác nhau, vì vậy việc ôn thi của học sinh bị tác động.

“Như mọi năm, chúng em có thể tập trung học 3 môn chính theo khối, nhưng giờ em phải cố gắng cân bằng các môn để có điểm số hoàn hảo, nâng cao cơ hội xét tuyển bằng học bạ. Đặc biệt, em phải nỗ lực trau dồi, học hỏi thêm nhiều kiến thức các môn khác để có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực” - Hà Trang bộc bạch.

Em Nguyễn Lê An Khanh - học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho hay, hiện tại, học sinh toàn trường vẫn học trực tuyến do cấp độ dịch trên địa bàn quận ở mức 3. An Khanh nói rằng, bản thân khá hoang mang về kỳ thi sắp tới.

“Em được cô giáo dạy thêm môn Toán cho làm thử đề thi đánh giá năng lực. Đọc đề, em cảm thấy rất hoang mang vì kiến thức rộng. Hơn nữa, những bài tập, kiến thức em đang được ôn không áp dụng nhiều trong đề thi. Chưa kể, đề thi có nhiều kiến thức môn Lý, Hóa, Sinh vốn không phải thế mạnh của em nên em cảm thấy rất căng thẳng, áp lực cho kỳ thi đại học sắp tới” - An Khanh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn