MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh được hỗ trợ học tập miễn phí nhờ duy trì việc dạy học trực tuyến

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 16/03/2021 13:19

Trải qua "mùa COVID thứ nhất" rồi "mùa COVID thứ hai", đến nay thầy và trò Trường THPT Yên Dũng 3 (Bắc Giang) đã hoàn toàn tự tin để dạy học trực tuyến hiệu quả, ngay cả trong điều kiện bình thường. Động lực khiến thầy cô quyết tâm thực hiện điều này là vì: Nếu duy trì việc dạy học trực tuyến, người được hưởng lợi sẽ là học sinh.

Kết hợp dạy trực tiếp và trực truyến trong điều kiện bình thường

Thời gian qua, Báo Lao Động đã đi ghi nhận việc dạy học trực tuyến ở nhiều trường học. Từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, với những nỗ lực của thầy và trò, đến nay dạy học trực tuyến đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Đặc biệt, hình thức dạy học này không chỉ được thầy cô thực hiện trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, mà còn được duy trì trong điều kiện bình thường. Lý do để duy trì, theo các giáo viên, vì dạy học trực tuyến đã giúp nhiều nhà trường thay đổi, trực tiếp giáo viên và học sinh được hưởng lợi.

Như tại Trường THPT Yên Dũng 3 (Bắc Giang), khi học sinh đã trở lại trường, các tổ chuyên môn của nhà trường vẫn ứng dụng hình thức dạy học trực tuyến để trao đổi, triển khai kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng cho học sinh giỏi và hỗ trợ học sinh yếu kém.

Những ngày qua, giáo viên của trường vẫn đều đặn giao bài tập cho học sinh qua phần mềm Microsof Team để các em có điều kiện củng cố, ôn tập lại kiến thức; đồng thời tổ chức các buổi trao đổi bài cũ và chữa bài tập cho học sinh theo hình thức trực tuyến vào các buổi chiều.

Cô Ngô Thị Như Quỳnh thực hiện dạy học trực tuyến vào các buổi chiều trong tuần. Ảnh: Thiều Trang

Cô Ngô Thị Như Quỳnh (giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Yên Dũng 3) cho biết, sau thời gian trải nghiệm dạy học trực tuyến qua 2 mùa dịch, đến nay cô đã có thể sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy.

Cô và học trò có cơ hội trải nghiệm những lớp học xuyên biên giới, giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, tiết học thêm sinh động, học sinh hào hứng với mỗi giờ học.

"Với môn Tiếng Anh, tôi và học sinh đã có cơ hội kết nối với lớp học của Malaysia thông qua chương trình “Lớp học toàn cầu”. Tiết học diễn ra rất thành công, học sinh cả hai nước tự tin trao đổi bài và nêu ý kiến trong suốt buổi học. Thật sự rất tuyệt vời, vì công nghệ đã đưa mọi người đến gần nhau và học hỏi nhau nhiều hơn" - cô Như Quỳnh chia sẻ.

Học sinh trường THPT Yên Dũng 3 học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Thiều Trang

Học sinh được hưởng lợi

Nhớ lại những ngày đầu khi giáo viên trong trường mới tiếp cận với các phần mềm dạy học trực tuyến, thầy Trần Đình Nam - Hiệu trưởng trường THPT Yên Dũng 3 – thừa nhận là vất vả rất nhiều và khó khăn không ít.

Các nút thắt được nhà trường đặt ra và tìm giải pháp tháo gỡ như: Thiết bị và hệ thống mạng của học sinh có đảm bảo không? Quản lý lớp học trực tuyến như thế nào cho hiệu quả? Tài liệu, bài giảng của giáo viên có phù hợp không? Tuyên truyền đến cha mẹ học sinh thế nào?

Nhưng với quyết tâm đảm bảo tiến độ và chất lượng học tập của học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi đội ngũ giáo viên "nhập cuộc" vì học trò.

Nhà trường tuyên truyền tới cha mẹ học sinh, hỗ trợ mạng 4G để học sinh truy cập mạng học tập tại nhà. Đặc biệt, hệ thống giáo án được giáo viên biên soạn kỹ càng, khối lượng kiến thức cơ bản, phù hợp với từng đối tượng học sinh khi dạy học trực tuyến.

Cũng theo thầy Trần Đình Nam, sau thời gian duy trì và thực hiện thành công việc dạy học trực tuyến, lợi ích lớn nhất mà phương thức dạy học này mang, theo thầy lại là giúp nhà trường và giáo viên chủ động, linh hoạt hơn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học.

Thầy Nam lấy ví dụ, như với giáo viên dạy Lịch sử, 1 tuần chỉ có 1 tiết dạy chính khóa, sẽ khó đủ thời lượng để trao đổi hết tất cả những gì cô muốn truyền tải, những đổi mới cô muốn gửi tới học sinh.

Nhưng nhờ duy trì các hình thức dạy học trực tuyến, giáo viên có thể kết nối để trao đổi với học sinh nhiều kiến thức cần thiết. Cô và trò sẽ cùng xây dựng hệ sinh thái giáo dục trong lớp học trực tuyến để có thể học tập mọi lúc, mọi nơi và hoàn toàn miễn phí.

"Có lợi cho học sinh" - cũng là lý do giáo viên trường THPT Yên Dũng 3 và nhiều trường học trên cả nước quyết tâm duy trì dạy học trực tuyến song song với dạy học trực tiếp trên lớp trong điều kiện bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn