MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ảnh: Reuters

Học sinh được nghỉ học khi ô nhiễm không khí, tại sao Việt Nam chưa làm?

Bích Hà LDO | 17/12/2019 13:13
Trước thực tế ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn trong những ngày qua, nhiều người kiến nghị Việt Nam cần xây dựng bộ quy chuẩn về các mức độ ô nhiễm. Đây sẽ là căn cứ để ban hành quy định cho phép học sinh được nghỉ học, đảm bảo an toàn sức khỏe trong những ngày ô nhiễm không khí đạt mức nguy hại.

Nghỉ học khi chỉ số ô nhiễm ở mức nguy hại – nhiều nước đã làm

Nhiều quốc gia đã khuyến cáo, bụi mịn trong không khí sẽ làm cho chức năng phổi của con người, đặc biệt đối tượng trẻ nhỏ và người già nhanh chóng suy giảm, gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe về lâu dài. Vì điều này, thời gian qua, ở nhiều trường học từ mẫu giáo tới trung học phổ thông tại Bangkok (Thái Lan) đã phải cho học sinh nghỉ học khi chỉ số bụi mịn PM 2.5 lên tới 90 microgram/m3, cao gấp 9 lần nồng độ tiêu chuẩn của WHO.

Tất cả trường học tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) vào tháng 11 vừa qua cũng cho học sinh nghỉ học trong vòng 1 tuần, khi chỉ số ô nhiễm ở mức nguy hại, nhiều nơi chỉ số chất lượng không khí (AQI) chạm mốc 500, trong khi chỉ số này trên 100 là không tốt cho sức khỏe.

 
 
 
Chỉ số AQI được công bố trên Cổng giao tiếp điện tử của Hà Nội  ngày 17.12

Tại Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) trong nhiều ngày qua luôn ở ngưỡng xấu, nguy hại, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân. Trước tình trạng này, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu.

Tổng cục Môi trường cũng cảnh báo chất lượng không khí tại Hà Nội đang có xu hướng xấu đi cho tới tận ngày 18.12, đồng thời khuyến cáo về nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp) khi chỉ số AQI từ 201 đến 300. Nhóm người này nên ở trong nhà, đóng kín các cửa sổ.

Tuy nhiên có một thực tế, những ngày qua, học sinh - đặc biệt đối tượng trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học - hằng ngày vẫn phải ra đường để đến trường. Không trường học nào dám cho học sinh nghỉ học, vì hiện chưa có bất cứ một quy định nào về việc này.

Vì sao học sinh Việt Nam chưa được nghỉ trong ngày không khí ô nhiễm?

Là người công tác trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ - cho biết rất ủng hộ việc cho học sinh nghỉ học khi không khí ở mức nguy hại. Việt Nam từng có quy định thời tiết lạnh dưới 10 độ C thì học sinh tiểu học và mầm non được nghỉ học. Đối với các nhóm trong trường hợp xảy ra thiên tai, mưa bão, ô nhiễm không khí cũng cần có những quy định tương tự để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho đối tượng trẻ em.

Ông kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế nên phối hợp để tạo ra một quy chuẩn về các mức độ ô nhiễm, tác hại của chúng với từng nhóm người. Từ đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc ban hành các quy định cho phép trẻ được nghỉ học trong những ngày không khí ở mức xấu.

Còn anh Đỗ Văn Thanh (một phụ huynh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho rằng, trong trường hợp xây dựng được quy định và có phương án cho học sinh nghỉ học vào những ngày ô nhiễm không khí thì sẽ gây rắc rối cho phụ huynh. Lý do là không phải gia đình nào cũng bố trí được người chăm sóc trẻ trong những ngày các bé được nghỉ.

Trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ GDĐT) cho biết, hiện Vụ này đang phối hợp với tổ chức UNICEF để có kế hoạch xây dựng chương trình hành động, cũng như khuyến cáo về vấn đề ô nhiễm không khí. Nhưng để xây dựng được quy định cho phép học sinh nghỉ học trong trường hợp không khí ở mức cảnh báo, thì trước tiên Việt Nam phải có bộ quy chuẩn chung về ô nhiễm không khí.

Sau khi các bộ, ngành đưa ra quy chuẩn này thì cần tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động của nó. Bởi với giáo dục, khi đưa ra một quy định, chính sách sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người nên cần có khảo sát, lấy ý kiến, thí điểm, nếu khả thi mới có thể triển khai trên diện rộng.

Cán bộ này cho rằng, trước mắt việc tuyên truyền để tất cả mọi người nâng cao nhận thức về ô nhiễm (nguyên nhân, tác hại của ô nhiễm không khí) là việc quan trọng đầu tiên. Ngoài ra, trước mắt các trường học có khuyến cáo học sinh cần đeo khẩu trang khi đi học. Một số trường quốc tế còn hướng dẫn học sinh xem các app về chỉ số không khí hằng ngày và hướng dẫn học sinh biết ứng xử trong trường hợp ô nhiễm không khí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn