MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm học 2022-2023, Bộ GDĐT yêu cầu giáo viên tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Hải Nguyễn

Học sinh hào hứng, thích thú với đề kiểm tra Ngữ văn kiểu mới

Tường Vân LDO | 05/01/2023 14:00

Từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi môn Ngữ văn. Nhiều học sinh tỏ ra hào hứng với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá này.

Đề thi không sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa

Ngô Văn Dũng, học sinh lớp 11, Trường THPT Phủ Lý A (Hà Nam) vừa hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ môn Ngữ văn cách đây ít ngày. Đề thi được thiết kế bao gồm cả phần trắc nghiệm và tự luận. Riêng phần đọc hiểu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Cụ thể, ngữ liệu được dùng trong đề thi là văn bản thông tin về một lễ hội ở tỉnh Nghệ An.

“Em cảm thấy rất hứng thú với dạng đề kiểu mới này vì không phải học thuộc nhiều. Em được thoải mái sáng tạo, trình bày bài viết theo quan điểm của bản thân” - Dũng chia sẻ.  

Nhận xét về cấu trúc đề kiểm tra môn Ngữ văn, Dũng cho rằng, số lượng câu hỏi trắc nghiệm không nhiều. Chưa kể, đấy đều là những nội dung, kiến thức cơ bản. Đáp án cũng không đánh đố, chủ yếu kiểm tra phần kiến thức, kỹ năng đọc, hiểu của học sinh.

“Em không mất quá nhiều thời gian vào phần trắc nghiệm. Chủ yếu, em tập trung cho phần tự luận” – Dũng nói.

Mai Trà My – học sinh lớp 10 Trường Hữu Nghị T78 (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng vừa hoàn thành bài kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn.

Trước khi vào phòng thi, nữ sinh có chút hồi hộp, lo lắng, bởi năm học này, chương trình mới có nhiều sự thay đổi khiến em bỡ ngỡ. Việc đổi mới đề thi, không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa cũng là điều khiến em lo lắng.

Đề thi lần này em nhận được không còn là những cấu trúc dập khuôn như trước kia. Thay vào đó, xuất hiện rất nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội,… Sau vài phút đọc đề, Trà My bắt đầu bình tĩnh, phân tích đề và vận dụng những kĩ năng trên lớp để hoàn thành bài thi.

“Nếu trước đây, em chỉ cần học thuộc bài luận và viết nhuần nhuyễn một số dạng bài là có thể đạt được mức điểm mong muốn thì bây giờ, đề thi đã khác hoàn toàn. Em phải vận dụng đủ 3 kĩ năng đọc - hiểu - vận dụng để làm bài” – Trà My nói. 

Dù hào hứng, thích thú với cách kiểm tra này, em nhận xét, nhiều bạn bè trong lớp vẫn còn bỡ ngỡ. Do đó, điểm kiểm tra không còn cao như trước kia, số lượng điểm 9 giảm đáng kể. Dù vậy, điểm số này đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Giáo viên cũng phải đổi mới

Nhiều học sinh tỏ ra hào hứng với những đổi mới trong đề thi môn Ngữ văn. Ảnh: Vân Trang

Từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu yêu cầu giáo viên tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi môn Ngữ văn.  

Nhiều giáo viên nhận định, sự đổi mới trong cách ra đề của môn Ngữ văn sẽ góp phần khắc phục được nạn “học tủ, học vẹt” của học sinh, đồng thời phát huy năng lực tự sáng tạo của các em. Song, cùng với sự đổi mới, giáo viên cũng cần thay đổi tư duy, phương pháp giảng bài. Thay vì truyền thụ kiến thức 1 chiều như trước, giáo viên sẽ phải tích hợp rất nhiều phương pháp giảng dạy và ra đề thi phù hợp.

Cô Đỗ Thuý Hằng – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) thừa nhận, đổi mới bao giờ cũng gặp phải nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh các em học sinh đã có nhiều năm quen với lối học cũ, cách ra đề cũ, tư duy cũ. 

“Theo chương trình hiện nay, dạy Ngữ văn, cần phải chú trọng đến phát triển năng lực của học sinh. Quan trọng, giáo viên phải truyền cho học sinh cảm giác học môn Văn thú vị như thế nào. Các con cảm thấy ham thích, việc học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Thầy cô phải là người dẫn đường, chỉ lối cho các con” – cô Hằng nhận xét.

Nhận xét về việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hướng không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa như hiện nay, giáo viên này cho rằng, đây là xu hướng tất yếu, đáp ứng thực tế giáo dục hiện nay khi đề cao sự chủ động, tích cực học hỏi tìm tòi của học sinh. 

“Học Ngữ văn không còn là việc học thuộc mà là học phương pháp làm bài. Ví dụ với kiểu bài phân tích đặc điểm nhân vật trong 1 tác phẩm văn học, các em phải làm các bước như thế nào? Chúng tôi dạy phương pháp để gặp bất cứ bài nào, tác phẩm mới, nhân vật mới, các con đều có thể tự tin làm bài.

Muốn làm được như vậy, giáo viên cũng phải tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để không dạy theo lối mòn, giúp học sinh độc lập làm bài, tư duy và sáng tạo” – cô Hằng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn