MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các em học sinh tham gia thi tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Ảnh PV

Học sinh hào hứng tìm hiểu lịch sử Thăng Long

Lại Trang LDO | 18/10/2017 13:13
Ngày 18.10, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Phòng Giáo dục quận Hà Đông tổ chức “Thi tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” cho các trường Tiểu học thuộc quận Hà Đông. 

Tham dự chương trình hành trình di sản có 3 trường tiểu học thuộc quận Hà Đông gồm: Trường Tiểu học Văn Yên, Kiến Hưng và Trần Đăng Ninh. Các đội tham gia ba phần thi: Tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tìm hiểu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội; hành trình đi tìm di sản.

Qua các phần thi, các em học sinh hào hứng tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Những dấu mốc lịch sử, công trình tiêu biểu, con người tài danh của Thăng Long - Hà Nội được giới thiệu, lồng ghép khéo léo qua những câu hỏi, câu chuyện, bài hát sinh động. Từ những phần thi này, các em đã tiếp nhận những kiến thức về một di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của Thủ đô gắn với truyền thống giáo dục và khoa cử, truyền thống trọng tri thức, tôn vinh những tấm gương hiếu học.

Thông qua đó, giáo dục các em học sinh lòng yêu nước, tình yêu lịch sử dân tộc, khích lệ ý chí vươn lên, tự rèn luyện và có ý thức bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc.

Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tuần lễ học tập suốt đời” theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng Ngày Hiến chương Nhà giáo 20.11 và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11.

Trong suốt gần 1000 năm qua, với nhiều thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính với nhiều di vật quý hiếm, là chứng tích của nền văn hiến - khoa cử nghìn năm như: Khuê Văn Các, Điện Đại thành, tượng thờ, cùng hệ thống hoành phi, câu đối, đại tự phong phú... và đặc biệt là Di sản Tư liệu thế giới 82 bia tiến sĩ - Bảo vật quốc gia, không chỉ chứa đựng nhiều giá trị nhân văn có ý nghĩa giáo dục trong đời sống xã hội hiện đại, mà còn tái dựng lại bức tranh toàn cảnh về chế độ giáo dục, khoa cử xưa của đất nước, truyền thống khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn