MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh hoang mang trước loạt video tư vấn ngành học trên mạng xã hội

KHÁNH AN LDO | 06/03/2023 07:42

Dù đã xác định được ngành dự định theo học, song nhiều học sinh lớp 12 lại cảm thấy hoang mang khi xem được những video tư vấn ngành học trên mạng xã hội. 

Tràn lan video tư vấn chọn ngành 

Yêu thích tiếng Anh và dự định theo đuổi ngành Ngôn ngữ Anh khi vào đại học, Đỗ Cẩm Tú - học sinh lớp 12 tại Hà Nội dành nhiều thời gian để tìm hiểu về ngành học này. Để tiết kiệm thời gian, em ưu tiên xem những video ngắn trên Facebook, Youtube, TikTok... Trong một lần tìm kiếm từ khoá “ngành Ngôn ngữ Anh” trên TikTok, em vô tình được đề xuất video “Ba ngành đại học vô dụng”.

“Em cảm thấy rất hoang mang khi ngành mình dự định theo học lại là một trong ba ngành xuất hiện trong video này” - Cẩm Tú nói. 

Cẩm Tú cho biết, TikToker này dẫn chứng rằng, thời nay tiếng Anh đã phổ biến và ai cũng có thể tiếp cận tiếng Anh. Vậy nên, chủ nhân của video này khuyên các học sinh không nên phí 4 năm đại học để học tiếng Anh mà nên chọn chuyên ngành khác và học thêm IELTS.  

Nguyễn Công Minh - học sinh lớp 12 tại Bắc Ninh cũng cảm thấy hoang mang khi nghe những thông tin về ngành Quản trị kinh doanh trên TikTok. Người đưa ra lời tư vấn là một bạn trẻ, cho biết đây là ngành có nguy cơ thất nghiệp cao, nội dung đào tạo không chuyên sâu. Công Minh cảm thấy hoang mang bởi đây là ngành em vô cùng yêu thích. Nếu đổi ngành, em không biết phải chuyển hướng sang ngành nghề nào. 

“Ngoài video về những ngành có nguy cơ thất nghiệp cao, những TikToker này còn làm những nội dung về những ngành siêu hot trong tương lai, những ngành có cơ hội việc làm cao, những ngành có nguy cơ biến mất... Tất cả các video này đều nằm trong một danh sách phát có tên Ngành nghề - Hướng nghiệp” – Công Minh nói.

  Tràn lan video tư vấn ngành nghề trên mạng xã hội. Ảnh: Khánh An

Cần biết chọn lọc thông tin

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Đại học Gia Định) khuyên các học sinh nên tập trung thu nhận thông tin về tư vấn ngành nghề từ các kênh chính thống. Cụ thể, học sinh có thể tìm hiểu thông tin trên Website, Facebook các trường đại học hoặc đọc thông tin trên các tờ báo uy tín. Ngoài ra, các em có thể nghe tư vấn hướng nghiệp từ các chương trình do nhà trường tổ chức hoặc tại các trung tâm hướng nghiệp.

TS Toàn cho biết, mọi người có quyền chia sẻ thông tin về ngành nghề trên các trang mạng xã hội. Thế nhưng, vẫn có những thông tin chưa được kiểm chứng và có độ sai lệnh. Vậy nên, học sinh và phụ huynh cần thật tỉnh táo để không bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệnh.

“Nhiều học sinh có thói quen vào mạng xã hội xem video ngắn review ngành nghề mà vô tình quên đi các kênh thông tin chính thống. Với các video ngắn, học sinh được tiếp cận thông tin nhanh nhưng chưa chắc đã chính xác” – TS Toàn chia sẻ. 

TS Toàn cũng khẳng định không có ngành học nào “vô dụng” như phát ngôn của một số TikToker. Bởi các ngành đều được Bộ GDĐT cấp phép đào tạo và được các trường đại học, cao đẳng đào tạo bài bản.

Để chọn đúng ngành học, TS Toàn khuyên học sinh nên dựa vào các yếu tố như sở trường, sở thích và nhu cầu việc làm của ngành này trong những năm tới. 

  Học sinh được khuyên nên đọc thông tin về tư vấn ngành nghề từ các kênh chính thống của các trường đại học. Ảnh: Huyên Nguyễn

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Đại học Quốc tế Hồng Bàng) cho hay, những video về tư vấn ngành nghề trên TikTok thường là video ngắn, dưới 1 phút. Nội dung của các video này không sâu và không truyền tải được hết các thông tin về công tác đào tạo các ngành. 

“Có thể lấy ví dụ về việc một số TikToker nói rằng ngành Ngôn ngữ Anh là không cần thiết với lý do hoàn toàn có thể đi học tiếng Anh tại các trung tâm bên ngoài. Thế nhưng, chương trình đào tạo tại đại học không chỉ đào tạo kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên mà còn đào tạo thêm về văn hoá, lịch sử, phong tục tập quán của một số đất nước sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Bên cạnh đó, các sinh viên còn được học về biên dịch, phiên dịch, ngôn ngữ và truyền thông, tiếng Anh giao tiếp trong kinh doanh...” - Thạc sĩ Dũng nói. 

Vậy nên, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Đại học Quốc tế Hồng Bàng) khuyên các học sinh lớp 12 cần biết chọn lọc thông tin và xác thực từ nhiều nguồn khác nhau. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn