MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết học của học sinh THPT tại Hà Nội. Ảnh: Vân Hà

Học sinh "học ngày, cày đêm" chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ

Tuyết Anh LDO | 20/12/2023 18:34

Với kỳ vọng đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi cuối kỳ, nhiều học sinh phải học tập, ôn luyện cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, nhiều em còn không có ngày cuối tuần vì lịch học quá dày đặc.

Không có ngày cuối tuần là chuyện bình thường

Kết thúc buổi học chính khóa tại trường vào lúc 16h30, Bùi Anh Quốc - Trường THPT Lê Trung Đình (Quãng Ngãi) lại tiếp tục đến một lớp học thêm khác cách trường 4km. Trong suốt 1 tháng nay, số lần em về nhà trước 8h tối chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Để có thể đạt được kết quả tốt nhất cho kỳ thi cuối kỳ, không chỉ có em mà các bạn cùng lớp trong suốt nhiều tuần qua đều không biết đến ngày cuối tuần là gì. Vì nếu được nghỉ ở trường, chúng em sẽ đến các lớp học thêm hoặc học nhóm, tự ôn tập.

Dù rất mệt mỏi nhưng em không còn cách nào khác. Chỉ cần nghỉ không ôn tập một hôm thôi, kiến thức mà em có được đã cách các bạn một khoảng lớn rồi” - Anh Quốc cho hay.

Khác với Anh Quốc, em Nguyễn Ngọc Nhi - học sinh lớp 12 tại Hà Nội chọn cách thuê gia sư dạy riêng tại nhà trong suốt 2 tháng nay. Vì Ngọc Nhi dự định sẽ dùng học bạ để xét tuyển đại học nhằm giảm bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

“Do có dự định dùng học bạ để xét tuyển sớm đại học nên áp lực điểm số đối với em là rất lớn. Em đặt mục tiêu điểm số trong kỳ thi cuối kỳ lần này của 2 tổ hợp môn A00 và A01 phải đạt trung bình một môn 8 - 9 điểm” - Ngọc Nhi nói về dự định của mình.

Không chỉ có học sinh áp lực về điểm số mà phụ huynh cũng căng thẳng không kém. Ban ngày đi làm, ban đêm thức cùng con học bài, chị Phạm Thị Sang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chỉ mong cùng con nhanh chóng vượt qua bài thi cuối kỳ.

“Thời chúng tôi không học nhiều như bây giờ, áp lực điểm số cũng không lớn nên nghe đến thi chẳng sợ gì. Giờ hai cháu nhà tôi cứ mỗi lần nghe đến thi là sợ. Chỉ mong có cách nào đó để giảm tải áp lực cho các cháu” - chị Sang chia sẻ.

Không nên đặt nặng vấn đề điểm số

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, để giảm bớt áp lực cho học sinh vào mỗi kỳ thi cuối kỳ, giải pháp trước mắt là không nên đặt nặng vấn đề điểm số.

“Chương trình học hiện nay đã có nhiều thay đổi, số lượng bài kiểm tra giảm và thậm chí giáo viên không được giao bài tập về nhà cho học sinh Tiểu học. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, học sinh vẫn đang phải chịu áp lực về điểm số.

Vì muốn được điểm cao nên các em mới ôn luyện không kể ngày - đêm, không kể học trên lớp hay ở nhà” - PGS.TS Ngô Văn Giá nêu ý kiến.

Đồng thời để ôn luyện một cách hiệu quả nhất, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng cần hài hòa giữa học và chơi, không nên nhồi nhét kiến thức trong thời gian ngắn.

“Mỗi người có một cách học khác nhau, nhưng cần phải hài hòa giữa học và chơi. Đặc biệt, nếu muốn ngủ, các em cứ đi ngủ, tuyệt đối không lạm dụng chất kích thích để giúp tỉnh ngủ.

Trước khi thi một ngày, nên nghỉ ngơi để đầu óc được thả lỏng. Vì cố gắng nhồi nhét sẽ làm kiến thức bị rối lên, khiến bản thân thiếu tự tin khi làm bài” - PGS.TS Ngô Văn Giá nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn